Tết và nạn "chặt chém" du khách - Chuyện cũ chưa có hồi kết

VĐHN-Thứ tư, ngày 17/02/2016 06:00 GMT+7

VTV.vn - Từ lâu, nạn "chặt chém" du khách đã là chuyện thường ngày ở các điểm du lịch, nhất là vào dịp lễ, Tết, các mùa lễ hội đầu năm, khi lượng khách trong và ngoài nước tăng vọt

Ngay sau Tết, nhiều người dân bức xúc phản ánh về giá cả sinh hoạt, dịch vụ, ăn uống, giá vé xe khách và cả tình trạng nhồi nhét hành khách trên mỗi chuyến xe. Mặc dù tình trạng này được các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh dày đặc nhưng nhiều năm qua vẫn không có sự thay đổi.

Điển hình như tình trạng tăng vé trông xe đột biến tại một lễ hội ở Nam Định. Người đi xe phải trả 20.000 đồng phí trông xe máy, 100.000 - 150.000 đồng phí trông ô tô. Đến khoảng 12h đêm, giá vé trông ô tô còn được phản ánh tăng cao thêm vài lần nữa. Hay tại một nhà hàng ở Nha Trang, khi hai du khách Hà Nội phản ứng vì phải trả 150 ngàn đồng cho đĩa cơm rang nguội ngắt đã bị chủ cửa hàng phản ứng dẫn đến xô xát. Một trường hợp nữa là hai người khách từ TP.Hồ Chí Minh xuống Vũng Tàu chơi phải thuê phòng nghỉ với giá 850.000 đồng/ngày, gần gấp đôi so với bình thường. Không những thế, họ còn phải trả 2,1 triệu đồng cho bữa ăn chỉ với 2 con ghẹ bằng bàn tay, một đĩa ốc bươu và một món bánh chiên.

Nói về nguyên nhân "chặt chém" du khách ngày Tết, bà Nguyễn Thị Huyền - Điều phối viên quốc gia chương trình Du lịch bền vững và có trách nhiệm - tổ chức Lao động quốc tế ILO cho biết: "Tâm lý của những người bán hàng nhỏ lẻ và theo thời vụ luôn nghĩ trong một năm chỉ trông chờ vào những ngày Tết. Chính vì thế họ cố gắng hết sức lấy càng nhiều tiền du khách càng tốt. Họ không quan tâm đến thái độ của khách hàng".


Bà Nguyễn Thị Huyền - Điều phối viên quốc gia chương trình Du lịch bền vững và có trách nhiệm - tổ chức Lao động quốc tế ILO.

Bà Nguyễn Thị Huyền - Điều phối viên quốc gia chương trình Du lịch bền vững và có trách nhiệm - tổ chức Lao động quốc tế ILO.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Huyền cũng cho biết khách hàng phải thật tỉnh táo và cân nhắc trước khi sử dụng dịch vụ bởi vào những ngày lễ Tết do chi phí đầu vào và nhân công cao nên việc tăng giá là điều có thể chấp nhận được.

"Khi giá đầu vào cao, chi phí nhân công tăng thì hiển nhiên giá dịch vụ sẽ khác những ngày thường. Điều này đối với người làm kinh doanh là hoàn toàn chấp nhận được. Tuy nhiên du khách cần được biết điều ấy và cơ sở sản xuất kinh doanh cũng như nơi cung ứng dịch vụ cần thông báo cụ thể. Điều này sẽ tránh được tình trạng sau khi du khách sử dụng dịch vụ bị ngỡ ngàng vì giá cả" - bà Nguyễn Thị Huyền chia sẻ.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước