Chỉ trong 5 tháng đầu năm, diện tích rừng bị cháy là hơn 290 ha, tăng 49%. Đây là những số liệu chưa tính tới những vụ cháy rừng trong tháng 6 mà tiêu biểu là vụ cháy dọc rừng miền Trung vừa diễn ra. Dải đất này vẫn đang oằn mình chữa cháy và khắc phục hậu quả.
Từ 26 - 30/6/2019, trên địa bàn các tỉnh miền Trung đã có hàng trăm điểm phát cháy, trong đó có 15 vụ cháy gây thiệt hại tới rừng với diện tích ước tính sơ bộ khoảng trên 100ha.
Vì sao cháy liên tiếp xảy ra trên diện rộng và càng ngày càng có nguy cơ xảy ra nhiều hơn, mức độ thiệt hại nặng nề hơn? Khi xảy ra cháy, liệu công tác chữa cháy có kịp thời và hiệu quả?
Tại hiện trường dập lửa trong các vụ cháy những ngày qua trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, cùng lúc xảy ra cháy tại rất nhiều địa bàn, lực lượng chữa cháy cứu rừng được huy động tối đa, từ quân đội, công an, kiểm lâm, thanh niên tình nguyện… Lý do họ ở đây không phải bởi đó là nhiệm vụ của họ mà trước tiên là công việc ứng cứu sự cố, cứu hộ, cứu nạn. Họ là những người đã được huấn luyện, đào tạo, có đủ phản xạ, kỹ năng để vừa bảo đảm an toàn tính mạng, vừa dập lửa hiệu quả.
Một lực lượng đông với nhiều đơn vị khác nhau, việc cần hơn trong quá trình dập lửa là đơn vị nào làm việc gì. Những lúc thế này, không phải cứ mạnh ai nấy làm, làm gì cũng được, làm ở đâu cũng được. Quân khu 4 trong đợt chống chọi với cháy rừng tại tỉnh Hà Tĩnh vừa qua đã huy động 11.000 lượt cán bộ chiến sĩ có mặt tại các điểm nóng. Công việc hoàn thành, quân số an toàn, cháy rừng được dập tắt. Đó hoàn toàn không phải là sự ngẫu nhiên.
Phải mất 5 năm nữa, những cánh rừng vừa bị cháy ở miền Trung mới có thể phủ lại màu xanh ban đầu, thậm chí sẽ có những cánh rừng mất đi vĩnh viễn. Rừng nếu cháy thì thiệt hại thực sự khôn lường, vì thế, bất cứ khâu nào liên quan đến phòng, chữa cháy rừng đều quan trọng, bất cứ một khâu nào không hợp lý cũng khiến cái giá phải trả là rất nặng nề.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!