Việt Nam có quy chuẩn cho "trường quốc tế" hay không?

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 10/08/2019 06:42 GMT+7

VTV.vn - Những ngôi trường gắn mác "quốc tế" xuất hiện ở khắp các địa phương trên cả nước. Vậy thực chất trường quốc tế ở đây là gì?

Cụm từ "trường quốc tế" đã trở nên khá quen thuộc tại các đô thị lớn từ nhiều năm nay. Trường quốc tế từ cấp tiểu học đến cấp trung học phổ thông. Các phụ huynh hay hỏi nhau: "Con anh học trường nào, à trường quốc tế à?". Và cứ thế cái gọi là trường quốc tế mặc nhiên tồn tại như thể đó là một loại trường tồn tại song song với các trường như công lập, tư thục.

Không chỉ có các trường quốc tế mà nhiều cơ sở đào tạo ngoại ngữ cũng được gọi bằng cái tên trung tâm đào tạo tiếng Anh quốc tế. Vậy thực chất quốc tế ở đây là gì? Nó được quy đinh như thế nào trong luật giáo dục ở Việt Nam?

Theo Điều 48 của Luật Giáo dục hiện hành, các loại hình nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân chỉ bao gồm:

- Trường công lập: Do Nhà nước thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên;

- Trường dân lập: Do cộng đồng dân cư ở cơ sở thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động;

- Trường tư thục: Do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí bằng vốn ngoài ngân sách.

Như vậy không hề có loại hình trường nào là trường quốc tế được quy định trong luật giáo dục.

Việt Nam có quy chuẩn cho trường quốc tế hay không? - Ảnh 1.

Hàng loạt kết quả gợi ý về cụm từ "Trường quốc tế" khi tìm kiếm trên Google

Những ngôi trường gắn mác "quốc tế" xuất hiện ở khắp các địa phương trên cả nước. Trong những trường này, bao giờ cũng có nhiều hệ khác nhau cho phụ huynh lựa chọn, thường là các hệ chất lượng cao, học theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tăng cường thêm các tiết tiếng Anh và kỹ năng sống, ngoại khóa để tạo nên sự khác biệt với các trường bình thường. Một hệ khác thường là hệ song ngữ hoặc hệ quốc tế sẽ dạy số lượng tiết tiếng Anh nhiều hơn hẳn, dạy một số môn học bằng tiếng Anh như Toán, Khoa học... Hệ song ngữ, hệ quốc tế thường thu tiền cao hơn hẳn so với các hệ khác nhưng được nhiều cha mẹ lựa chọn, do mong muốn con mình được học theo hướng hội nhập nhiều hơn.

Việc sử dụng chương trình dạy học có tích hợp với chương trình quốc tế hoặc sử dụng tiếng Anh tăng cường và một số môn học theo hướng hội nhập hiện là điểm mạnh của nhiều trường tư thục, và cũng là lí do chính khiến một số trường quyết định gắn chữ quốc tế vào tên thương hiệu của trường mình.

Quan điểm về việc này cũng có nhiều khác biệt trong chính các nhà đầu tư trường tư thục.

Cùng thảo luận, phân tích về chủ đề "Lập lờ trường quốc tế" trong chương trình Vấn đề hôm nay ngày 9/8 là ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Giáo dục & Đào tạo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước