Trước năm 1997, ở Hà Nội chỉ có một dàn nhạc thính phòng giao hưởng. Sau đó, thủ đô đã có 2 dàn nhạc và hiện tại là 6 dàn nhạc. Điều này cho thấy sự phát triển của một dòng nhạc vốn kén khán giả. Nhạc giao hưởng không chỉ là thước đo cho sự phát triển của một nền âm nhạc mà hiện tại, nó còn trở thành một phần quan trọng trong nhiệm vụ ngoại giao văn hóa của đất nước.
"Bằng nghệ thuật và thông qua nghệ thuật, chúng ta đã giới thiệu với bạn bè quốc tế những nét đẹp đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam. Tiếng thánh thót của đàn bầu, tiếng réo rắt của nhị, sự rộn ràng của đàn T’rưng cùng với hòa âm phối khí cùng nhạc cụ đương đại bác học đã hòa quyện, mở đường cho sự gần gũi, hiểu nhau hơn. Qua đó, chúng ta đạt được mục tiêu kép, tăng thêm lượng khách du lịch, làm tốt vai trò sứ mệnh là nhịp cầu, sợi dây kết nối giữa các quốc gia, dân tộc với Việt Nam", ông Nguyễn Văn Hùng – Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết.
Trong nhiều sự kiện quốc tế, việc quảng bá văn hóa thông qua giao hưởng là một hướng đi tinh tế. Bởi nhạc giao hưởng đã trở thành ngôn ngữ văn hóa toàn cầu. Khi kết hợp âm nhạc hàn lâm thế giới và âm nhạc truyền thống của Việt Nam, bạn bè quốc tế không chỉ hiểu hơn về văn hóa Việt Nam mà còn là cách để khẳng định nỗ lực hội nhập về văn hóa nghệ thuật.
Trong những năm gần đây, nhiều chương trình hòa nhạc lớn được tổ chức. Việt Nam cũng trở thành điểm đến của nhiều dàn nhạc giao hưởng nổi tiếng thế giới, đồng thời chứng kiến sự ra đời của các dàn nhạc giao hưởng tư nhân... Bên cạnh đó, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam cũng đang khôi phục hoạt động đào tạo, biểu diễn thực hành của dàn nhạc giao hưởng trẻ. Đây là hoạt động thường xuyên vào chương trình đào tạo của Học viện, hướng tới việc đầu tư dài hơi, phát hiện và định hướng sớm để tài năng trẻ theo đuổi ước mơ trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp trong tương lai.
Có thể khẳng định, công chúng trong nước và quốc tế giờ đây không còn xa lạ với những buổi biểu diễn nhạc giao hưởng, với những bài dân ca Việt Nam kết hợp sử dụng các nhạc cụ truyền thống và âm nhạc hàn lâm thế giới. Hòa nhạc cổ điển trở thành một kênh tuyệt vời để có thể nối âm nhạc giữa các quốc gia, tôn vinh những giá trị văn hóa của dân tộc.
Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành vào tháng 11/2021 đã xác định sử dụng công cụ văn hóa trong ngoại giao, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, đóng góp vào xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Việc kết hợp âm nhạc hàn lâm và âm nhạc truyền thống trong các buổi nhạc giao hưởng ngày càng chứng minh được hiệu quả, là cầu nối vững chắc giữa các nền văn hóa trên thế giới, góp phần thúc đẩy ngoại giao văn hóa của đất nước. Những buổi hòa nhạc này khi được đầu tư về chất lượng và cách thể hiện sẽ góp phần khẳng định một Việt Nam hội nhập mà vẫn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!