Âm nhạc Văn Cao: Tài sản vô giá trong lòng dân

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 20/08/2023 11:50 GMT+7

VTV.vn - Âm nhạc Văn Cao vẫn theo suốt dọc dài đất nước, giản dị như những "mùa bình thường" theo ca từ ông từng viết, nhưng là tài sản vô giá trong lòng nhân dân.

Năm 2023 là năm kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao. Ông là một một trong những nhạc sĩ có nhiều thành tựu nhất của nền âm nhạc hiện đại Việt Nam thế kỷ XX, người có sức ảnh hưởng lớn đối với nền Tân nhạc nước nhà. Tiêu biểu nhất phải kể đến ca khúc Tiến quân ca được lựa chọn làm Quốc ca nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà. Cùng với Tiến quân ca là hàng chục ca khúc cách mạng vang dậy niềm tự hào dân tộc và khí thế đấu tranh giành độc lập sống mãi với thời gian. Người ta gọi ông là "nhạc sĩ của những bản hùng ca".

Chỉ riêng Tiến quân ca cũng đủ tạc nên tầm vóc của nhạc sĩ Văn Cao trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. Lần đầu tiên, trong âm nhạc cách mạng xuất hiện những đội quân chính quy từ nhân dân mà ra, cũng lần đầu tiên hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng mang hồn sông núi vang vọng trong một bản hùng ca. Ngày 2/9/1945, Tiến quân ca - Quốc ca Việt Nam vang lên trong Lễ Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình. Từng giai điệu cất lên, lớp lớp người dân Việt Nam chung một ý chí, niềm tin về sức mạnh trường tồn của dân tộc.

Liên tiếp sau đó, nhạc sĩ Văn Cao sáng tác hàng loạt ca khúc cổ vũ tinh thần cách mạng sục sôi ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh và sức mạnh quân dân trong kháng chiến như Ca ngợi Hồ Chủ tịch, Bắc Sơn, Chiến sĩ Việt Nam... Đặc biệt, Tiến về Hà Nội được xem là một khúc khải hoàn ca. Tác phẩm ra đời năm 1949, nhưng đã dự báo ngày chiến thắng 5 năm sau đó, với cảnh đoàn quân "đi như sóng" từ chiến khu Việt Bắc về tiếp quản Hà Nội.

Nhạc sĩ Văn Cao là người đầu tiên chắp đôi cánh lãng mạn vào các ca khúc cách mạng hoành tráng. Bản trường ca Sông Lô được xem là đỉnh cao của sự kết hợp giữa âm nhạc phương Tây với âm nhạc truyền thống dân tộc. Mỗi ca khúc cách mạng của nhạc sĩ Văn Cao được ví như một "phóng sự" bằng âm nhạc về những cột mốc lịch sử dân tộc ông để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Trước kháng chiến, nhạc sĩ Văn Cao đã nổi danh là một cây viết nhạc trữ tình. Các tác phẩm của ông có phong thái rất khác, mang tính khai phá, vượt trội giữa những tác giả cùng thời. Vẻ đẹp mênh mang, tự sự của Buồn tàn thu, Thiên thai, Suối mơ... đã được các nhà phê bình và người yêu nhạc nhận xét là những giai điệu tuyệt mỹ, làm rung động những xúc cảm sâu xa nhất trong tâm hồn con người.

Đêm nhạc đặc biệt kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao sẽ được diễn ra vào tối 20/8, tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Cách đây đúng 78 năm, vào mùa thu lịch sử, ngày 17/8/1945, lần đầu tiên ca khúc Tiến quân ca đã vang lên đầy tự hào trước biển người rộng lớn tại quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội. Có thể nói, dù ở mảng âm nhạc cách mạng hay trữ tình, dường như nhạc sĩ Văn Cao đều có duyên nợ đặc biệt với mùa Thu. Ông cũng ra đi trong một ngày đầu Thu cách đây 28 năm. Con người đi qua, ánh sáng còn để lại. Âm nhạc Văn Cao vẫn theo suốt dọc dài đất nước, giản dị như những "mùa bình thường" theo ca từ ông từng viết, nhưng là tài sản vô giá trong lòng nhân dân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước