Theo quan niệm của người xưa, lân, sư, rồng là ba linh vật tượng trưng cho phát tài, hạnh phúc và hanh thông. Vậy nên, cứ vào dịp lễ hội, đặc biệt là Tết Nguyên đán và Tết Trung thu, khắp đường làng ngõ xóm đều dễ dàng bắt gặp hình ảnh lân, rồng hay ông Địa với điệu múa vừa vui nhộn vừa mang ý nghĩa tâm linh. Đây là loại hình nghệ thuật có ở nhiều nước châu Á, đã du nhập vào Việt Nam được hàng ngàn năm. Trải qua thời gian, múa lân sư rồng Việt đã hình thành những nét đẹp riêng có trong các bài trình diễn, đầy bản sắc Việt, do chính các nghệ sĩ Việt sáng tạo và phát triển.
Tháng 4 vừa qua, Liên đoàn lân sư rồng Việt Nam chính thức được thành lập. Trước đó, vào năm 2022, lân sư rồng lần đầu tiên được đưa vào chương trình thi đấu của Đại hội thể thao toàn quốc. Năm 2023, bộ môn này chính thức có mặt trong hệ thống thi đấu thể thao quần chúng quốc gia. Đây là những dấu mốc ý nghĩa cho thấy múa lân sư rồng từ trong đời sống của dân gian bước sang một chặng đường mới, chuyện nghiệp và mang tầm vóc hơn, cùng với đó là hành trình không ngừng nghỉ của các nghệ nhân, tôn vinh vẻ đẹp thuần Việt nằm trong từng đường nét, tạo hình của sư tử Việt Nam.
Múa lân sư rồng là môn nghệ thuật khá đặc biệt. Người biểu diễn ngoài biết võ thì còn cần sự kiên trì, tinh thần đoàn kết, khả năng sáng tạo và cảm thụ âm nhạc. Giờ đây, cả nước đã có hàng trăm vũ đoàn lân sư rồng. Các cụ bà, những người nông dân chân lấm tay bùn ở các làng quê cũng góp phần gìn giữ tinh hoa nghệ thuật truyền thống này.
Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển. Trong các dịp lễ Tết, nhiều hoạt động vui chơi giải trí mới xuất hiện. Tuy nhiên, múa lân sư rồng vẫn luôn có sức sống bền bỉ bởi nó không chỉ mang trong mình vẻ đẹp văn hóa truyền thống mà còn ở sự giản dị, gần với đời sống. Với những nỗ lực đáng ghi nhận của các cơ quan chức năng và cả cộng đồng, môn thể thao nghệ thuật này sẽ sớm khẳng định vị thế mới trên đấu trường lân sư rồng quốc tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!