Bạo lực học đường: Khi thanh xuân trở thành ác mộng

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 15/09/2022 13:44 GMT+7

VTV.vn - Bạo lực học đường khiến thời học sinh đẹp đẽ của nhiều em không còn là thời đẹp nhất mà chỉ còn những cơn ác mộng và nỗi ám ảnh khó quên.

Cùng với gia đình, trường học là nơi nuôi dưỡng nhân cách, giá trị sống và văn hoá sống của mỗi người. Để làm được điều đó, đây phải là nơi an toàn và lành mạnh nhất. Thế nhưng, điều đó không thể xảy ra nếu tình trạng bắt nạt học đường xảy ra với chính học sinh. Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2009, mỗi ngày trung bình có 5 vụ học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học trên toàn quốc. Từ đầu năm tới nay, có không ít vụ việc học sinh đánh nhau. Mới đây nhất, một nữ sinh lớp 11 tại Hà Tĩnh đã bị khởi tố khi thực hiện hành vi hành hung, lột đồ một em học sinh ngay giữa đường. Thời học sinh với nhiều em không còn là thời đẹp nhất.

Bạo lực học đường: Khi thanh xuân trở thành ác mộng - Ảnh 1.

Bắt nạt trên mạng đang khiến bạo lực học đường ngày càng khó ngăn chặn với nhiều hình thức khác nhau như chê bai, doạ nạt, xỉ nhục, nói xấu. Nhiều vụ việc thương tâm đã xảy ra khi nạn nhân không chịu nổi áp lực từ các hành vi bắt nạt này.

Bạo lực học đường luôn là một vấn nạn. Chia sẻ về chủ đề này, TS. Nguyễn Tùng Lâm – Phó Chủ tịch Hội Khoa học – Tâm lý giáo dục Việt Nam cho hay: "Hành động nào cũng xuất phát từ cảm xúc. Tuy nhiên, với bạo lực học đường, các em học sinh có ý định xử lý nhau bằng vũ lực. Cách sống của các em không chứa đựng giá trị yêu thương, khoan dung và tôn trọng nhau. Vì thế, các em chọn cách hành xử với nhau bằng bạo lực, thay vì bằng thường thương lượng, cảm thông".

Bạo lực học đường: Khi thanh xuân trở thành ác mộng - Ảnh 2.

Những học sinh bị bắt nạt, nhất là bắt nạt bằng ngôn ngữ, thường cảm thấy tổn thương, chán nản, lo âu, suy sụp và tự ti. Các em không dám ra ngoài chơi, đến trường không tập trung học hành, thậm chí những tổn thương này có thể kéo dài đến suốt đời. Có nhiều vụ bạo lực học đường xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân giữa hai học sinh, nhưng lại bị đánh hội đồng. Các đối tượng bên ngoài đứng ghi hình hỗ trợ, đe doạ tung lên mạng. Đa số học sinh đều biết đánh nhau dù ở trong hay ngoài trường đều sai, nhưng hầu như không em nào dám lên tiếng vì sợ bị liên luỵ, sợ trở thành nạn nhân tiếp theo. Những người chứng kiến vì thế cũng trở thành nạn nhân gián tiếp của bắt nạt học đường.

Không ít người thắc mắc bắt nạt học đường có phải mầm mống tạo nên những con người có tính cách hung dữ, bạo lực trong tương lai, gia tăng tội phạm ở thanh thiếu niên hay không. TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng nếu không ngăn chặn kịp thời vấn đề này thì nó sẽ trở thành vấn đề của xã hội. "Hệ luỵ của nó là lối sống buông thả, theo cách mà trong xã hội văn minh phải được chấm dứt", TS. Nguyễn Tùng Lâm nhận định.

"Bản thân mỗi học sinh phải có nhu cầu chung sống để được tôn trọng, khẳng định mình trong xã hội, đóng góp cho xã hội. Điều thứ hai là gia đình phải biết quản lý con cái, nhà trường phải biết tổ chức học sinh và tính pháp lý. Khi làm tổn hại đến tinh thần và sức khoẻ của bạn bè thì phải có xử lý bằng tính chất pháp luật".

1600 vụ bạo lực học đường xảy ra mỗi năm. Con số này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, do vụ việc không được tố giác. Học sinh ở lứa tuổi tâm lý đang phát triển mạnh, trong khi nhận thức cuộc sống còn thiếu hụt. Vì vậy, nhà trường cần đi trước một bước, cùng với gia đình phát hiện những biểu hiện bất thường ở các em, để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ từ sớm, qua đó ngăn chặn được nhiều vấn đề phức tạp trong mỗi em nói riêng và môi trường học đường nói chung.

Bạo lực học đường gia tăng sau dịch COVID-19 ở Hàn Quốc Bạo lực học đường gia tăng sau dịch COVID-19 ở Hàn Quốc

VTV.vn - Tại Hàn Quốc, vấn nạn bạo lực học đường đã gia tăng từ đầu năm đến nay, sau khi các trường học mở cửa trở lại.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước