Tuần lễ áo dài cộng đồng Huế 2023 kết thúc từ ngày 12/7 nhưng dư âm và sức lan tỏa của sự kiện đã một lần nữa khẳng định sức sống của trang phục truyền thống trong cuộc sống hiện đại. Vài năm trở lại đây, Huế tích cực đẩy mạnh dự án phục hưng áo dài truyền thống, gắn với đề án Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam. Đề án được triển khai với nhiều kế hoạch cụ thể như thành lập bảo tàng áo dài, hình thành bộ cơ sở dữ liệu áo dài Huế qua các thời kỳ, hướng đến mục tiêu vinh danh áo dài trở thành di sản quốc gia. Thế nhưng, di sản chỉ có được sức sống khi nó đi vào đời sống một cách tự nhiên và được chính người dân đón nhận, hưởng ứng.
Khi trang phục truyền thống được ứng dụng sáng tạo, phù hợp với nhịp sống hiện đại sẽ được mọi người đón nhận. "Hữu xạ tự nhiên hương", nếu đẹp, có bản sắc, thuận tiện thì không cần kêu gọi, ai cũng thích diện để đẹp hơn. Trải qua hàng trăm năm, áo dài truyền thống không chỉ là lễ phục trong các sự kiện quan trọng mà còn được phụ nữ và nam giới lựa chọn trong cuộc sống hàng ngày, từ cơ quan, công sở đến các chuyến bay với nhiều kiểu dáng, chất liệu đa dạng.
Áo dài cũng trở thành trang phục được sử dụng trong nhiều đám cưới, đám hỏi, các dịp kỷ niệm đặc biệt. Đây là nguồn cảm hứng vô tận của các nhà thiết kế thời trang, với những bộ sưu tập áo dài đủ chất liệu, kiểu dáng, phong cách, từ truyền thống đến biến tấu hiện đại gây ấn tượng với giới mộ điệu trong nước và quốc tế.
Áo dài chỉ là một trong những trang phục truyền thống. Việt Nam có 54 dân tộc với bản sắc, lối sống, các làng nghề thủ công tạo nên nét đặc trong trong ăn mặc. Trang phục không chỉ là áo quần mà nó nói lên bạn là ai, nền văn hóa như thế nào. Vì vậy, lan tỏa sức sống của trang phục truyền thống mỗi dân tộc trong nhịp sống hiện đại cũng chính là gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của cả quốc gia, đa dạng và giàu có.
Có một thực tế là nhiều làng nghề địa phương đang mai một, nghệ nhân dân tộc biết dệt, làm trang phục thủ công ngày càng hiếm. Trong khi đó, cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ, không mặn mà với trang phục truyền thống vì cảm thấy không hợp thời. Vì vậy từ năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt đề án bảo tồn phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Được thực hiện từ 2019 – 2030, nhiều địa phương đã tích cực vào cuộc với những cách làm nỗ lực, sáng tạo để đưa trang phục truyền thống vào nhịp sống hôm nay.
Xã hội phát triển, khoảng cách thế hệ, quá trình hội nhập khiến văn hóa có sự tiếp biến, du nhập những giá trị mới và nhiều giá trị truyền thống có nguy cơ mai một. Đây là thách thức mà mọi quốc gia phải đối mặt. Trong nhịp sống số và thế giới phẳng, ứng dụng công nghệ số đang được đánh giá là một trong những giải pháp hiệu quả để bảo tồn văn hóa truyền thống, trong đó có trang phục truyền thống dân tộc.
Chỉ khi giữ được truyền thống, giữ được cái gốc thì mới khẳng định được sức mạnh, cái riêng trong sự phát triển hội nhập, mỗi trang phục truyền thống chứa đựng câu chuyện văn hóa của cả cộng đồng, từ lịch sử, lối sống, phong tục đến chất liệu đặc trưng của vùng đất nơi họ sinh sống. Nó sẽ tạo ra thương hiệu văn hóa không thể trộn lẫn của mỗi vùng miền, mỗi quốc gia.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!