Nhiếp ảnh gia người Anh Jeremy Horner đã thực hiện cuộc hành hương qua nhiều nước châu Á - nơi Phật giáo là tôn giáo phổ biến nhất, để ghi lại những cảnh thờ phụng linh thiêng và những sắc màu tôn giáo ấn tượng, sống động.
Bộ ảnh ngoạn mục của Jeremy Horner sắp tới sẽ được ra mắt bằng một cuốn sách ảnh ghi lại những sinh hoạt tôn giáo ở các quốc gia châu Á mà anh đã đi qua.
Jeremy Horner chia sẻ: “Được trải nghiệm cuộc sống của các nhà sư tại những đất nước châu Á nơi đạo Phật rất phổ biến đã khiến tôi được nuôi dưỡng sự sùng kính và đức tin vào sự tĩnh lặng, bằng an. Đó là một chuyến hành trình êm dịu giúp tôi tự khám phá chính mình”.
Nhiếp ảnh gia Jeremy Horner cũng đã đi qua Việt Nam và ghi lại những hình ảnh về các hoạt động thờ cúng của người Việt:
Bà cụ vào lễ trong Đền Ngọc Sơn ở Hà Nội.
Một người phụ nữ gồng gánh đi ngang qua chùa Lý Quốc Sư, Hà Nội.
Một ông từ trông đền ở Chùa Hương.
Một góc chùa Thiên Trù, thuộc Chùa Hương.
Ngoài ra, Jeremy Horner đã đi qua nhiều nước châu Á khác:
Những nhà sư rước nến trong sự kiện tổ chức thường niên, đón nhận những nhà sư mới tại ngôi chùa Wat Phra Dhammakaya ở phía Bắc thành phố Bangkok, Thái Lan.
Một tia sét đánh trên bầu trời cung điện Potala như thắp sáng cảnh qua nơi này trong cơn bão đổ xuống Lhasa, Trung Quốc.
Một nhà sư đang hành lễ trong một miếu thờ ở làng Amarapura, Myanmar. Nơi đây có hàng ngàn miếu thờ như thế này.
Một nhà sư thực hiện cuộc hành hương tìm đến chùa Kyaiktiyo, hay còn gọi là chùa đá vàng của Myanmar. Một sợi tóc của Đức Phật được cho là đã khiến tảng đá vàng khổng lồ này khỏi rơi xuống vách núi và cứ thế tọa lạc trong một trạng thái chênh vênh nhưng bền vững từ bao đời nay.
Các nhà sư học tập tại học viện Phật giáo Gelugpa của Tây Tạng. Trong ảnh, các nhà sư đang ngồi chờ bên ngoài gian thờ chính của tu viện Labrang.
Những nhà sư ở Thiếu Lâm Tự, Trịnh Châu, Trung Quốc đang luyện tập võ thuật kungfu.
Một khách hành hương dừng lại cầu khấn, phía xa là những nhà sư đang tập trung bên ngoài gian thờ chính ở tu viện Labrang, Cam Túc, Trung Quốc. Tu viện này được dựng lên từ năm 1709, Labrang đã từng là nơi tu hành của hơn 4.000 nhà sư, hiện giờ có khoảng 1.500 nhà sư lưu lại nơi này.
Chùa Shwedagon hay còn gọi là chùa vàng ở Myanmar. Đây là một ngôi chùa cổ kính hàng đầu trong lịch sử Phật giáo với niên đại lên tới 2.600 năm tuổi. Có chiều cao lên tới 99m, người dân trên khắp thành phố Yangon đều có thể nhìn thấy ngọn tháp suốt cả ngày và đêm bởi ngọn tháp có một màu vàng kim lấp lánh và 7.000 viên kim cương, hồng ngọc, ngọc bích, ngọc lục bảo… phản chiếu bất cứ luồng ánh sáng nào chiếu đến.
Cầu U Bein băng ngang qua hồ Taungthaman ở gần làng Amarapura, Myanmar. Cây cầu dài hơn 1km có niên đại từ năm 1850 và được cho là cây cầu cổ nhất và dài nhất được làm bằng gỗ tếch trên thế giới.
Chùa Đại Chiêu ở Tây Tạng, Trung Quốc. Mỗi năm có hàng ngàn người hành hương Tây Tạng tìm tới ngôi chùa này.
Một chú tiểu bước vào ngôi đền Phật giáo Wat Mai ở Luang Prabang, Lào. Trong ảnh là một lối vào dát vàng được trang trí cầu kỳ, tỉ mỉ, và được bê đỡ bằng các hàng cột lớn.
Một nhà sư đang chạm vào bức tượng Đức Phật khổng lồ đặt ở ngôi đền Wat Si Chum, Thái Lan.
Những người dân tộc ở Bhutan thực hiện chuyến hành hương thường niên tới lễ hội Punakha nơi những hoạt động cúng tế và những vũ điệu tôn giáo sẽ được tổ chức bên trong tu viện uy nghi, tráng lệ.
Những chú tiểu quay trở lại buổi học sau giờ nghỉ giải lao trong sân tu viện Semtokha ở gần thành phố Thimphu, Bhutan.
Những ngôi chùa Phật giáo nhiều tầng tháp nằm ẩn hiện trong lớp sương mù ven sông Irawaddy, Bagan, Myanmar.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!