"Xẩm đỏ" là bộ phim tài liệu đầu tiên làm về cuộc đời hát xẩm nghệ nhân Hà Thị Cầu.
Chấp nhận lỗ để đưa xẩm đến mọi người
Lý do của sự chậm trễ này như tâm sự của đạo diễn Lương Đình Dũng là
bởi anh không nhận được nhiều sự quan tâm, ủng hộ để có thể giới thiệu
bộ phim này đến với khán giả. Còn tại sao không mấy người mặn mà với bộ
phim anh làm có lẽ cũng không khó hiểu bởi trong dòng chảy của xẩm từ
xưa đến nay, đã có lúc bộ môn nghệ thuật này đứng trước nguy cơ thất
truyền.
Tuy nhiên, sau khi có một nhóm các nghệ nhân trẻ yêu xẩm biết được sự
tồn tại của "Xẩm đỏ" và tìm gặp anh với mong muốn được tiếp cận những
tư liệu quý này. Nghe họ hát, cảm nhận được sự say mê chân thành mà họ
dành cho xẩm, Lương Đình Dũng bảo anh thấy cảm động và quyết định bỏ
tiền túi, chấp nhận lỗ để đưa bộ phim tài liệu của mình đến với mọi
người bằng việc phát hành đĩa DVD.
"Xẩm đỏ" là tên ban đầu và cũng là tựa đề cuối cùng được đạo diễn
Lương Đình Dũng chọn đặt cho bộ phim của mình. Có nhiều sự giải thích
cho cái tên này, rằng màu đỏ là gam màu báo động về một loại hình nghệ
thuật đang đứng trước nguy cơ bị thất truyền, đó còn là màu sắc gợi nhắc
đến mồ hôi nước mắt và thân phận hẩm hiu, khốn khó của những người hát
xẩm.
Tuy nhiên, đạo diễn Lương Đình Dũng chia sẻ anh chọn cái tên này đơn
giản vì khi nghĩ đến xẩm, anh nghĩ ngay đến màu đỏ bởi mỗi lời ca, giai
điệu của xẩm cất lên đều khiến người nghe không thể ngồi yên mà chộn rộn
cảm xúc trong lòng.
Toàn bộ phim không có lời bình mà được xây dựng giống như một sự độc
diễn của nghệ nhân Hà Thị Cầu. Đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết anh
không muốn đem lời bình vào "Xẩm đỏ" mặc dù làm thế sẽ khiến phim dễ xem
hơn. Đổi lại, anh muốn khán giả tự cảm nhận như đang được xem, được
nghe và được đối thoại với chính nhân vật.
Sự may mắn tình cờ
Đạo diễn Lương Đình Dũng kể lần đầu tiên khi anh cùng êkip đến nhà
nghệ nhân Hà Thị Cầu để quay, vừa nhìn thấy mọi người, bà đã khóc. Chẳng
ai dám hỏi vì sao nghệ nhân Hà Thị Cầu lại khóc nhưng đều đoán được
rằng vì lâu rồi bà mới có người đến thăm. Đó cũng là lần duy nhất êkip
làm phim chứng kiến bà xúc động rơi nước mắt. Từ đó trở đi, cho tới tận
khi thước phim cuối cùng đóng lại, tuyệt nhiên dù xúc động đến mấy nghệ
nhân Hà Thị Cầu cũng không khóc.
Cũng theo lời kể của đạo diễn Lương Đình Dũng thì khi làm phim về
nghệ nhân Hà Thị Cầu, anh và êkip gặp rất nhiều may mắn. Như hôm đầu
tiên khi cả đoàn vừa vượt đường xa lên đến nhà nghệ nhân Hà Thị Cầu cũng
là lúc khu vực nơi bà sống đang có lịch mất điện luân phiên, thế nhưng
đến đúng lúc quay thì lại có điện.
Không chỉ vậy, tình cờ một nhóm hát xẩm từ Thanh Hóa và Nghệ An cũng
tìm đến thăm bà nên cảnh mọi người quây quần tụ họp tưng bừng cũng
nhanh chóng được đoàn làm phim ghi lại. Có lần, đúng đến phân đoạn cần
quay cảnh mưa, chiếc máy tạo mưa được họa sĩ trong đoàn hì hụi vác từ
thành phố theo nhưng cuối cùng lại không dùng đến vì đúng lúc quay thì
có trận mưa lớn và cảnh mưa trong phim nhờ thế mà rất thật và sống động.
Có những chi tiết thú vị mà nói như lời đạo diễn Lương Đình Dũng là
rất khó giải thích. Có lần, bà bị ốm và nằm luôn một chỗ. Trong khi cả
êkip làm phim đang lo lắng vì phải chờ nghệ nhân Hà Thị Cầu khỏe lại mới
có thể tiếp tục quay thì chỉ sáng hôm sau quay lại nhà thăm, đã thấy bà
đang ngồi ngoài sân chơi với đàn mèo con mới đẻ.
Bắt tay vào làm bộ phim này, đạo diễn Lương Đình Dũng bảo anh nhận ra
nếu nghệ nhân Hà Thị Cầu làm theo những gì đúng như trong kịch bản đề
ra thì sẽ thiếu đi sự tự nhiên, mà bản thân bà cũng khó làm theo.
Đơn giản như khi quay cảnh bà ngồi hát xẩm, lúc máy quay đã chuẩn bị
xong xuôi chỉ chờ bà hát thì thế nào bà cũng bị rơi vào trạng thái:
"quên rồi". Cũng từ đó, anh quyết định xoay tắt kịch bản, không làm theo
trình tự đã định mà quay kiểu "tay bo", tức là toàn ráo trước với nghệ
nhân Hà Thị Cầu là "bọn con chưa quay đâu nhé", xong ngồi tỉ tê hỏi
chuyện và gợi cảm hứng để bà hát, kể đủ thứ chuyện trên đời.
Làm xong 68 phút phim "Xẩm đỏ", đạo diễn Lương Đình Dũng tiết lộ anh
còn hơn 1.200 phút phim quay về nghệ nhân Hà Thị Cầu và sẽ để dành đó
làm tư liệu cho những ai yêu xẩm sau này. Số lượng vài nghìn đĩa ấn
hành, anh muốn dành một nửa tiền bán đĩa để dành tặng cho con cháu nghệ
nhân Hà Thị Cầu, nửa còn lại anh dành cho các nghệ nhân xẩm có hoàn cảnh
khó khăn. Số tiền có thể không nhiều nhưng đó là ân tình mà anh muốn
dành cho xẩm.
Quý vị độc giả có thể xem thêm các thông tin và tương tác với các chương trình giải trí của VTV qua Fanpage VTV Giải trí của Đài Truyền hình Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!