Nhưng quan trọng hơn, đây sẽ là nơi tập hợp, hệ thống lại những bằng chứng không thể chối cãi về sự hiện diện liên tục của người Việt tại biển Đông, tạo luận cứ học thuật để khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam trên trường quốc tế.
Đó là điều đa số học giả đều chia sẻ khi nhắc tới cách thức đón đầu cho các cuộc đấu tranh về học thuật nếu Trung Quốc xin đăng ký danh hiệu Di sản thế giới cho “Con đường tơ lụa biển”.
Không chỉ là chuyện khảo cổ
Trước khi truyền thông Trung Quốc “đánh tiếng” về việc đăng ký danh hiệu Di sản thế giới cho “Con đường tơ lụa trên biển”, quốc gia này đã chuẩn bị khá kỹ càng cho khảo cổ học dưới nước. Trong 30 năm trở lại đây, nước này thành lập nhiều đơn vị chuyên ngành liên quan như: Bảo tàng Con đường tơ lụa trên biển, Tổ Điều phối công tác Khảo cổ Dưới nước Quốc gia, Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ Dưới nước - Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc, Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Dưới nước… cùng các cơ sở, trạm khảo cổ học dưới nước được thành lập ở nhiều địa phương.
Những hiện vật khảo cổ của người Việt ở quần đảo Trường Sa thể hiện sự hiện diện sớm, liên tục của người Việt trên quần đảo này.
TS Trương Minh Vũ (Đại học KHXH&NV TP.HCM) phân tích: Sau các cuộc khai quật, hầu hết các vật được trục vớt là xác tàu đắm và cổ vật của Trung Quốc. Các bằng chứng này cùng những sản phẩm học thuật được xây dựng xung quanh, chúng hỗ trợ mạnh mẽ cho các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.
Cũng theo TS Vũ, Trung Quốc đã có những nỗ lực mang tính toàn diện nhằm thiết lập “Di sản Con đường tơ lụa trên biển” bao trùm phần lớn biển Đông. Điều này sẽ biến các lập luận mang tính lịch sử của Trung Quốc về ưu thế sức mạnh và sự hiện diện khu vực trở thành những thể chế mềm hơn mang tính chất văn hoá dưới vỏ bọc của Liên Hợp Quốc.
“Đến đây, vấn đề không chỉ còn là chuyện khảo cổ nữa, mà là vấn đề chủ quyền biển đảo của dân tộc” - TS Trương Minh Vũ nói.
Việt Nam không thể chậm trễ
Nếu xét về tiềm lực tài chính, nhân lực chuyên sâu, sự phối hợp liên ngành… khảo cổ học biển đảo Việt Nam cách quá xa ngành khoa học tương tự bên nước láng giềng. “Dù qua khảo cổ, Trung Quốc muốn tái tạo hình dung mới về lịch sử chủ quyền song điểm yếu cốt tử của dự án “Con đường tơ lụa trên biển” vẫn là sự thật lịch sử” - TS Minh Vũ nói.
Bởi, dù có nỗ lực đến mấy để “dựng lại” lịch sử bằng những chứng cứ khảo cổ, Trung Quốc cũng không thể thực hiện trong một sớm một chiều. “Và, việc xây dựng Bảo tàng Di sản Văn hóa biển Việt Nam là điều cần kíp. Bởi nó sẽ hệ thống hóa lại những hiện vật nhiều đời của người Việt trong các cuộc khai quật khảo cổ ở các xác tàu đắm tại Sa Huỳnh, Cù lao Chàm, Vũng Tàu… cùng những hiện vật tìm được được ở Trường Sa. Từ hệ thống cứ liệu, chúng ta sẽ có những hệ thống luận điểm lịch sử thuyết phục, rõ ràng, xua tan những luận điệu sai lệch” - TS Phạm Quốc Quân (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam) cho hay.
TS Lê Thị Liên (Viện Khảo cổ) đưa ra một lý do khác để thành lập Bảo tàng Di sản biển: Chúng ta đang sở hữu những “hiện vật chết”. Đó là những hiện vật sau các cuộc khai quật khảo cổ dưới nước chỉ được giới nghiên cứu biết đến. Những câu chuyện quanh chúng, những thông điệp cha ông về biển, về đảo, đều không đến được với công chúng.
Còn theo TS Trần Đức Anh Sơn (Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội TP Đà Nẵng), việc lập Bảo tàng Di sản biển là cách để người Việt nhìn lại ký ức chinh phục biển của ông cha mình và hiểu bổn phận của mình ngày hôm nay khi biển đảo Tổ quốc đang bị xâm phạm.
“Bảo tàng là nơi các học giả nghiên cứu lịch sử Việt Nam hướng về. Từ đó, người Việt sẽ muôn người một giọng, thuyết phục và thống nhất trong các cuộc tranh luận khoa học quốc tế hay trên bất cứ diễn đàn học thuật nào chúng ta tham gia liên quan tới cái gọi là “Con đường tơ lụa trên biển” của Trung Quốc” - TS Anh Sơn nói.
TS Nishimura đã có ý định xây dựng Bảo tàng Biển Việt Nam
Trong hội nghị “Thông báo Khảo cổ học lần thứ 49” diễn ra trong ngày 25-26/9/2014, TS Noriko đại diện cho nhóm Nishimura Project có chia sẻ rằng từ năm 2011 tới lúc Nishi mất, ông đã trục vớt, phân loại hiện vật và thống kê lại các hiện vật trong con tàu đắm ở bãi biển Bình Châu (Quảng Ngãi). Sau đó, ông tiến hành nghiên cứu về nguồn gốc con tàu, hải trình dự kiến của tàu, làm rõ nơi sản xuất của hiện vật, hệ thống hàng hóa để hình thành một hệ thống tài liệu về hàng hải qua biển Việt Nam cũng như các thương cảng Việt Nam ở thế kỷ 9 (thời điểm ước đoán con tàu bị đắm).
Từ cơ sở đó, Nishi có ý định xây dựng Bảo tàng Văn hóa biển Việt Nam. Song tai nạn bất ngờ vào tháng 6/2013 đã khiến TS Nishimura không thể thực hiện ý định của mình.
|
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.