Cạnh tranh và công bằng của phim chiếu rạp Việt

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 21/02/2023 05:40 GMT+7

VTV.vn - Phim Việt Nam tại các rạp đang bị phụ thuộc vào khung giờ chiếu, kênh phân phối của các doanh nghiệp nước ngoài, khi chiếm hơn 80% thị phần ở Việt Nam.

Thị trường điện ảnh Việt Nam những năm vừa qua, kể cả thời điểm sau dịch bệnh COVID-19 đã khởi sắc về số lượng, chất lượng và doanh thu. Nhiều bộ phim Việt Nam chiếu rạp được khán giả đón nhận. Thế nhưng, sự độc quyền trong phát hành của một vài doanh nghiệp nước ngoài khiến điện ảnh Việt Nam bị phụ thuộc vào kênh phân phối này.

Trong công nghiệp điện ảnh, quyền lực của các rạp rất lớn, vì đây là kênh tiếp cận, thậm chí còn chi phối về thị hiếu, nhu cầu về điện ảnh của công chúng. Theo thống kê sơ bộ vào năm 2021 - 2022, có tới hơn 80% thị phần cụm rạp chiếu ở Việt Nam thuộc về công ty nước ngoài như Lotte, CGV... còn lại là các thị phần nhỏ với các công ty Việt Nam và hệ thống rạp chiếu Nhà nước.

Cạnh tranh và công bằng của phim chiếu rạp Việt - Ảnh 1.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ trong chương trình Vấn đề hôm nay

Trước đây, thị trường phim Việt từng có nhiều cụm rạp nổi tiếng như Kim Đồng, Đống Đa, Ngọc Khánh... với những loạt phim tên tuổi, có chất lượng được công chiếu. Tuy nhiên, sau kỳ đó, sự bùng nổ của các cụm rạp thuộc doanh nghiệp nước ngoài đã chi phối và tác động đến nền điện ảnh Việt. Làm thế nào để tạo điều kiện cạnh tranh lành mạnh, cân bằng, đảm bảo yếu tố giải trí và cả văn hoá cho phim Việt ra rạp? Câu hỏi này đã được phần nào phân tích trong chương trình Vấn đề hôm nay, với sự tham gia của PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

"Thực ra, khi nhà phát hành phim nước ngoài vào Việt Nam đã mang theo những luồng gió lành. Tất nhiên, cũng có những tác động tiêu cực đến thị trường điện ảnh nước ta" - PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ - "Rõ ràng, khi so với thời kỳ trước, hệ thống rạp như CGV, Lotte đã đem đến cho người xem những trải nghiệm mới, thực sự cập nhật khi được xem cùng lúc với các buổi ra mắt phim của thế giới, những tiện nghi khiến người xem cảm thấy thoải mái, hấp dẫn. Đó là những yếu tố tích cực đem đến thỏa mãn nhu cầu điện ảnh của người xem".

"Tuy nhiên, cũng có những tác động tiêu cực, đó là câu chuyện khi nhà phát hành phim chiếm một thị phần quá lớn, họ có quyền chi phối thói quen, sở thích, thị hiếu và phim nào ra rạp ở Việt Nam. Nếu không có cách thức phù hợp thì phim Việt sẽ bị nép vế ngay trên chính thị trường của mình", ông Bùi Hoài Sơn nói tiếp.

Cạnh tranh và công bằng của phim chiếu rạp Việt - Ảnh 2.

"Chúng ra đang ở nền kinh tế thị trường nên cũng phải chấp nhận những quy luật của nền kinh tế như cá lớn nuốt cá bé... Tất nhiên, chúng ta cũng biết điện ảnh là lĩnh vực nhạy cảm. Chúng ta luôn mong muốn rằng các sản phẩm điện ảnh của người Việt, cho người Việt và vì người Việt đưa ra những thông điệp quan trọng, kể về những hình ảnh đẹp của đất nước, giáo dục giá trị đạo đức... Tuy nhiên, khi việc phát hành phim phụ thuộc vào nước ngoài thì chúng ta cũng phải có cách thức nhất định. Và trong quá trình làm luật điện ảnh, tại điều 19 và 20 cũng đưa ra những quy định. Những quy định này cũng cần phải được cụ thể hóa trong Nghị định mà đã ban hành về việc ưu tiên phim Việt".

Quy luật thị trường thì phim nào hút khách, giữ khách được sẽ được công chiếu. Phim nào vài ba ngày không hút khách thì dừng công chiếu. Nhưng đó là với sản phẩm thương mại. Với những sản phẩm có giá trị văn hóa, thẩm mỹ và định hướng công chúng, theo ông Bùi Hoài Sơn, cần có nhiều giải pháp đồng bộ để hỗ trợ phim Việt có thế cạnh tranh lành mạnh, cân bằng, đảm bảo yếu tố giải trí và văn hóa của phim Việt chiếu rạp.

"Chúng ta luôn mong các tác phẩm điện ảnh góp phần quan trọng trong phát triển nhân cách con người, từ đó giúp có môi trường văn lành mạnh. Chính vì thế, trong luật điện ảnh đã có quy định điều 19 và 20 là khuyến khích phim Việt Nam ra rạp hay chiếu trên truyền hình. Những nội dung này được quy định cụ thể trong Nghị định 131 năm 2022 của Chính phủ ở trong điều 9 và 11. Trong đó, chúng ta khuyến khích chiếu phim Việt ở rạp và trên truyền hình trong nước. Chiếu những phim đó vào giờ thuận lợi cho người xem là 18h - 22h, đặc biệt là điều này có lộ trình. Cụ thể, từ nay đến 2025, có ít nhất 15% suất chiếu là phim Việt, từ 1/1/2026 là 20%. Những chỉ tiêu, định hướng như vậy sẽ chúng ta có ý thức nhiều hơn, giúp các nhà phát hành trong nước và nước ngoài có ý thức rõ ràng trong việc khuyến khích phim Việt ra rạp", ông Bùi Hoài Sơn phân tích.

"Tuy nhiên, rõ ràng để làm được điều đó thì không thể bằng ý chí mà cần có giải pháp khác, như theo quy luật thị trường, sản phẩm tốt, ăn khách phù hợp nhu cầu thị trường thì sẽ có chỗ đứng. Chính vì thế, thay vì chỉ chăm chăm vào áp đặt hạn ngạch thì cần tập trung có những bộ phim hay".

Cạnh tranh và công bằng của phim chiếu rạp Việt - Ảnh 3.

"Trong nền kinh tế thị trường, sự cạnh tranh có nhiều yếu tố tích cực giúp chúng ta hoàn thiện mình. Đầu tiên phải có những bộ phim chất lượng tốt để tự tin bước chân vào hệ thống rạp chiếu Việt Nam và những nhà phát hành thế giới. Thậm chí, nhờ những nhà phát hành đó để vươn ra thế giới. Thứ hai là hệ thống rạp chiếu nội địa cần được chấn chỉnh lại. Muốn làm được điều đó cần hàng loạt giải pháp như khơi thông hợp tác công - tư, khơi thông nguồn lực xã hội để hỗ trợ rạp nội đại, chính sách thuế, đất đai để xây dựng cụm rạp của người Việt, cho người Việt... Những điều đó cũng được thế hiện trong luật điện ảnh, Nghị định 131. Điều quan trọng là chúng ta triển khai những điều này như thế nào để tạo lợi thế cho phim Việt mà thôi".

Điện ảnh không chỉ là nền công nghiệp giải trí mà còn có ý nghĩa văn hóa, giáo dục và định hướng công chúng. Đã có nhiều tác phẩm tạo tiếng vang của các nhà sản xuất, phát hành phim tư nhân Việt Nam, với tâm huyết phát triển nền điện ảnh nước nhà, giàu ý nghĩa nhân văn, tôn vinh giá trị Việt. Dĩ nhiên, điều khẳng định là những bộ phim Việt phải đủ chất lượng, sức cạnh tranh mới có thể được khán giả đón nhận, tạo thương hiệu. Và để làm được điều đó, các bộ phim Việt cũng cần được tạo điều kiện công bằng để đến với công chúng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước