Cắt giấy cũng như là làm ảo thuật. Người cắt cầm một tờ giấy màu đỏ, gấp trái gấp phải vài cái sau đó dùng kéo cắt nhẹ vài đường, cắt xong khéo léo mở ra, lúc này những bức tranh tuyệt đẹp sẽ hiện ra trước mắt chúng ta. Có những nghệ nhân thậm chí không cần nhìn vẫn cắt ra được các tác phẩm ấn tượng.
Cắt giấy là loại hình nghệ thuật ngẫu hứng, nghệ nhân không cần dùng đến bản vẽ, chỉ cần dựa vào chiếc kéo, nó sẽ đưa lối dẫn đường cho họ cắt. Do vậy, mỗi lần cắt sẽ ra những hình khác nhau, từ đây mà tính sáng tạo của mỗi người được thể hiện một cách rõ ràng. Các vùng nông thôn Trung Quốc đặc biệt ưa chuộng môn nghệ thuật này.
Ở Tây An ngày trước, cửa sổ nhà dân đa phần đều bằng giấy, hơn nữa lại là giấy màu trắng, nhìn vào rất đơn điệu, cũng không mang ý nghĩa may mắn nên người phụ nữ khéo léo nơi đây đã dùng giấy màu đỏ cắt hình các em bé hoặc cắt hình bươm bướm xinh đẹp dán lên cửa sổ, thổi hồn vào những cánh cửa vô tri vô giác.
Các cô gái ngày xưa khi ở nhà sẽ làm giầy hoặc may quần áo. Họ rất thích thêu hoa lên đồ mình làm ra, muốn vậy họ phải có mẫu hoa thêu, mẫu hoa thêu đó chính là lấy từ các tác phẩm cắt giấy. Bên cạnh đó, nghệ thuật phun sơn của Trung Quốc cũng lấy khuôn mẫu từ hình ảnh cắt giấy.
Người Trung Quốc cổ đại có phong tục làm đèn lồng, trong ngày lễ và những dịp trọng đại phải treo đèn lồng. Có nơi treo những chiếc đèn lồng đỏ rất to, có nơi chơi đèn khéo quân, có nơi lại thả hoa đăng dưới hồ nước, trẻ em thì thích chơi đèn sư tử, đèn cá vàng... Khi làm đèn lồng, có khi các nghệ nhân sẽ vẽ trực tiếp lên đó nhưng đa phần là họ dùng các tác phẩm cắt giấy để dán. Muôn hình vạn trạng các hình cắt, dưới sự phản chiếu của ánh đèn sẽ thật lung linh huyền ảo.
Với những hình ảnh sống động được tạo nên từ nghệ thuật cắt giấy - về con người, cảnh vật, cuộc sống... - người ta đã nói rằng đây là môn nghệ thuật mà chỉ với một cái kéo có thể tạo nên cả thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.