"Ký ức Việt Nam" là chương trình được phát sóng lúc 21h hàng ngày trên các nền tảng số của VTV: Fanpage Trung tâm tin tức VTV24, báo điện tử VTV News, ứng dụng VTV GO. Quay ngược thời gian về quá khứ, chương trình kể lại câu chuyện về những ký ức không thể quên của các thế hệ đi trước. Một trong số đó là ký ức về những mùa hè náo nhiệt với những trò chơi dân gian của trẻ em nông thôn xưa.
Trò chơi dân gian - Ký ức của những đứa trẻ nông thôn xưa
MÙA HÈ TUỔI THƠ – KHÚC NHẠC DỊU ÊM
Người ta thường nói: Người hay hoài niệm là người luôn giữ trong mình 1 kho tàng vô giá. Kho tàng của của những kí ức muôn màu. Với những cô, cậu bé năm xưa có tuổi thơ được sống ở nông thôn, mùa hè của họ gắn liền với những trò chơi dân gian.
Khoảng 50, 60 năm về trước, khi cuộc sống còn khó khăn, những đứa trẻ chia nhau củ sắn, củ khoai để cho nhau no bụng. Thế nhưng từ cái khó khăn ấy lại khiến những đứa trẻ sáng tạo ra rất nhiều trò chơi tự kiếm được từ cỏ cây quanh nhà.
Trong số những trò chơi yêu thích suốt thuở ấu thơ của mình, bà Nguyễn Thị Lĩnh – 68 tuổi nhớ nhất trò chơi chuyền. "Chúng tôi thường rủ nhau ra bụi tre kiếm ít cành non, bẻ sao cho được 10 thanh bằng nhau. Trong túi lúc nào cũng phải có mấy quả cà, vì nhỡ cô giáo bắt được thì vẫn còn quả khác dự phòng. Chúng tôi chọn 1 khu đất bằng phẳng, ngồi xệp xuống đất và bắt đầu cuộc chơi". Những câu hát đồng dao gắn với trò chơi chuyền vẫn in sâu trong tâm trí của bà Lĩnh.
"Cái mốt, cái mai
Con trai, con hến
Con nhện chăng tơ
Quả mơ, quả mận
Cái cận, lên bàn đôi
Đôi chúng tôi
Đôi chúng nó
Đôi con chó
Đôi con mèo
Hai chèo ba
Ba đi xa
Ba về gần
Ba luống cần. Một lên tư,…"
Trò chơi chuyền thẻ của các bạn nữ
Những bài đồng dao trở thành điều kiện quan trọng để mỗi đứa trẻ có thể tham gia vào trò chơi bởi hầu như trò nào cũng có đồng dao. Chẳng cần ai dạy, những đứa trẻ sinh ra đã tự nhiên biết hát đồng dao,…
"Nu na nu nống
Đánh trống phất cờ
Mở hội thi đua
Chân ai sạch sẽ
Gót đỏ hồng hào
Không bẩn tí nào
Thì vào đánh trống."
Bà Trần Thị Xuân Lan – 51 tuổi kể rằng: "Những thanh âm Nu na nu nống như thế cứ thế ngân vang khắp cả trưa hè. Xa xa bóng mẹ cầm chiếc roi đi tới, vì mải chơi nên chẳng đứa nào biết đến sự xuất hiện ấy. Mẹ quát to 1 tiếng, đập giả vờ chiếc roi xuống sân, lũ trẻ chạy toán loạn, có đưa còn quên cả dép".
Tuổi thơ, cứ ngỡ như là khúc nhạc êm đềm nhất trong bản giao hưởng cuộc đời. Nhưng không, trong sự êm đềm ấy cũng chan chứa dữ dội,…
NHỮNG VẾT SẸO ĐẦU ĐỜI…
"Tuổi thơ chơi khăng gãy răng cửa, chơi gụ bục tivi, chơi bóng mất trâu bò". Câu nói đầy dí dỏm ấy lại chứa đựng cả 1 tuổi thơ dữ dội của những "thanh niên thôn chính hiệu" năm xưa. Khác với các bạn gái, các bạn trai thường chọn những trò chơi thiên về hoạt động và mang tính đối kháng.
Ông Dương Văn Dũng nay đã ngoài 60 tuổi nhớ lại rằng: "Hồi ấy, chơi khăng là trò mà tụi con trai rất thích. Trò này khá nguy hiểm vì chiếc khăng sẽ liên tục di chuyển từ người này sang người khác, ai không nhanh tay sẽ sớm thua. Hơn nữa, nó lại làm bằng tre nên va vào người với lực mạnh thì rất dễ sứt đầu, mẻ trán. Những đứa con gái và bọn trẻ con lít nhít thường chỉ dám đứng làm khán giả. Thế nhưng, có lần, 1 tai nạn đáng tiếc đã xảy ra, chiếc khăng rơi trúng 1 khán giả đang đứng xem khiến gãy cả răng cửa. Dù nạn nhân rất đau đớn nhưng cả hội vẫn được 1 trận cười tưởng như vỡ bụng". Không chỉ thế, chẳng hiếm những lần vì mải chơi mà các "thanh niên" ấy làm hỏng, làm mất những món đồ có giá trị trong trong gia đình.
Trò chơi đánh khăng của các bạn trai
Sau mỗi trò chơi, đội thua sẽ bị phạt cõng đội thắng
Đã là trẻ con thôn quê thì cả trai cả gái, không ai là không biết đến trò tắm ao. Không có điện, cũng chẳng có quạt gió hay điều hoà mát lạnh như ngày nay, khi ấy những bờ ao, bờ sông trở thành nơi giải nhiệt mùa hè.
Đắm mình trong dòng nước mát, các bạn trai tinh nghịch lại cùng nhau nghĩ ra những "trò nghịch dại". Hai bạn trai sẽ tạo thành 1 cặp, khi người ở dưới nước lặn, người ở trên bờ sẽ ném đá. Tiếng đá lao xuống mặt nước sẽ tạo thành những tiếng động hết sức vui tai. Thế nhưng, chỉ cần sơ sẩy ném không đúng nhịp, thương tích sẽ xảy ra. Không ít bạn đã phải đổ máu vì trò "nghịch dại" này. Thế nhưng, hồi ấy họ chẳng mấy khi trách mắng hay giận dỗi nhau. Đến bây giờ, trên trán ông Dương Ngọc Dũng vẫn còn vết sẹo dài như một chiến tích oanh liệt của thời thơ ấu. Thế nhưng vết sẹo này lại khiến ông hết sức tự hào.
Vết sẹo trên trán ông Dương Ngọc Dũng là một ký ức đẹp
ƯỚC CÓ TẤM VÉ ĐI NGƯỢC THỜI GIAN,…
Nhắc lại những kí ức tuổi thơ khiến ông Dương Ngọc Dũng nhớ đến người bạn đã gắn bó suốt thời thơ ấu của mình nay đã mất do tuổi cao sức yếu của mình. Đó là 1 nỗi buồn không gì có thể bù đắp được. Trò chơi dân gian thì vẫn còn đó, nhưng người biết chơi nay người còn, người mất. Suy nghĩ của ông Dũng có lẽ cũng giống như nhiều người, họ ước: "Giá như có tấm vé quay trở lại tuổi thơ…"
Dù cho mơ ước vẫn mãi chỉ là ước mơ nhưng tuổi thơ mãi sẽ mãi là kho báu vô giá được cất chặt trong tim mỗi người.
Các nhân vật trong chương trình Kí ức Việt Nam chơi Nu na nu nống
Những câu chuyện, kí ức đầy xúc động và tự hào của các thế hệ đi trước cùng nhiều chủ đề hấp dẫn sẽ tiếp tục được giới thiệu đến khán giả qua chương trình "Ký ức Việt Nam". Kính mời quý vị đón xem vào lúc 21h hàng ngày trên các nền tảng số của VTV như: Fanpage Trung tâm tin tức VTV24, báo điện tử VTV News, ứng dụng VTV GO.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!