"Chúa đất" của Đỗ Bích Thúy - Bi kịch tình yêu bạo chúa

Theo Đinh Thúy/VOV-Thứ năm, ngày 14/01/2016 13:18 GMT+7

VTV.vn - "Chúa đất" là tác phẩm văn học thứ 13 viết về đề tài dân tộc miền núi của nhà văn Đỗ Bích Thúy.

Tiểu thuyết "Chúa đất" được gợi tứ từ một truyền thuyết gắn với một hiện vật là cây cột đá đang được trưng bày ở Bảo tàng Hà Giang. Câu chuyện kể về Sùng Chúa Đà- một bạo chúa ở vùng cao Đường Thượng có cuộc đời bất hạnh với bi kịch không thể làm đàn ông.


Nhiều bạn đọc đánh giá đây là cuốn sách hấp dẫn.

Nhiều bạn đọc đánh giá đây là cuốn sách hấp dẫn.

Rơi vào bế tắc, Sùng Chúa Đà đã có những hành xử độc đoán, ma muội bởi trớ trêu thay, xunh quanh ông là những người đàn bà, trong đó có cô gái trẻ Vàng Chở đang độ tuổi xuân thì. Tiểu thuyết đề cập những thân phận người, đặc biệt là những người phụ nữ sau hàng rào dinh thự Sùng Chúa Đà, lấp ló trong khói thuốc phiện mờ tỏ; là nỗi bất hạnh của người đàn ông với những mặc cảm giới tính, nỗi hận đời bất công và căm đàn bà phản bội.

Bên cạnh đó, trong tác phẩm này, nhà văn đã tái hiện chân thực đời sống lao động của đồng bào dân tộc Mông, với những câu dân ca Mông được chọn làm đề từ cho mỗi chương, tập tục cưới hỏi hay như cảnh sắc thiên nhiên với vẻ đẹp của hoa anh túc, những mỏm núi đá xanh ngắt, những nương ngô căng hạt...


Tọa đàm nhân dịp ra mắt tiểu thuyết Chúa đất

Tọa đàm nhân dịp ra mắt tiểu thuyết "Chúa đất"

Nhà văn Sương Nguyệt Minh, Tạp chí Văn nghệ Quân đội thì cho rằng: trong tiểu thuyết "Chúa đất", nhà văn Đỗ Bích Thúy đã làm cho độ lóng lánh bớt đi và làm sâu sắc hiện thực, tạo ra một thế giới nhân vật, với mỗi nhân vật là một hình dạng, cá tính khác nhau.

Đặc biệt, trong tiểu thuyết "Chúa đất", nhà văn Đỗ Bích Thúy đã đưa ra những hình ảnh so sánh độc đáo, tự nhiên, giàu hình tượng, làm dậy lên âm sắc, mùi vị, không khí cuộc sống sinh hoạt, lao động của núi rừng, đậm dấu ấn dân tộc Mông. Đó là bà Cả- vợ chúa đất: "Bà như một nắm bột ngô bị ném vào chậu nước, tự thấy mình tan ra từng miếng một", là Vàng Chở với "cặp vú vừa dày vừa nóng thơm ngát mùi ngô non", là chúa đất "tay để trên đùi nắm chặt, gân nổi lên như rễ cây rừng", là cô Sùng Pà Xính với "tiếng hát như một dòng suối trong vắt, chảy trên những viền đá đầy màu sắc, dưới ánh sáng vàng như mật ong"... Xây dựng nhân vật là đồng bào Mông vừa mộng mơ nhưng vừa quyết liệt, "tiểu thuyết Chúa đất là tấm khảm hứng dệt được căn cước văn hóa, cá tính, vô thức tập thể đặc trưng của tộc người".

Tại buổi giao lưu với độc giả diễn ra tại Hà Nội ngày 13/1, nhà văn Đỗ Bích Thúy chia sẻ: đề tài miền núi vốn quen thuộc trong tâm thế sáng tác của chị, đặc biệt là mảnh đất Hà Giang- quê hương nhà văn: "Với tất cả những gì tôi viết thì mới chỉ được một phần rất nhỏ so với những gì Hà Giang có và tôi nhận được từ Hà Giang, đặc biệt là văn hóa Mông. Người Mông đã ở Hà Giang rất nhiều năm rồi. Dân tộc Mông chủ yếu sống ở vùng đặc biệt nhất của Hà Giang là vùng cao núi đá, chủ yếu ở 4 huyện với thiên nhiên khắc nghiệt, sẽ quy định lối sống, tập quán canh tác và tạo cho người Mông một nền văn hóa đặc sắc, dày dặn. Và tôi nghĩ nếu tôi viết đến già cũng không hết được vùng văn hóa đó"-nhà văn Đỗ Bích Thúy nói.


Đỗ Bích Thúy: ... Tôi viết đến già cũng không hết được vùng văn hóa đó

Đỗ Bích Thúy: "... Tôi viết đến già cũng không hết được vùng văn hóa đó"

Tái hiện một không gian cách đây hàng trăm năm không phải là điều dễ cho nhà văn Đỗ Bích Thúy, thế nhưng theo nhà văn Bùi Việt Thắng, Hội Nhà văn Việt Nam: "bằng sự tưởng tượng phong phú, chị đã "dịch chuyển" được truyền thuyết và thực tại, kéo thời gian từ xa đến gần, biến cái vô hình thành hữu hình". "Chúa đất" là câu chuyện về cái chết, nhưng là cái chết có ý nghĩa "gieo mầm sự sống". Xét từ góc độ văn hóa thì đó là vấn đề hủy diệt và sinh thành của sự sống, cụ thể hơn là các giá trị sống được trả giá và bảo tồn như thế nào trong sự biến thiên của lịch sử".

Với phong cách văn chương trong sáng, mạch lạc, đặc biệt là phát huy khả năng tả, dựng cảnh, dựng nhân vật sống động khiến cho kịch tính tăng dần theo từng trang sách, đồng thời làm gia tăng chất điện ảnh trong tiểu thuyết. Vì thế, không quá ngạc nhiên khi nghe Đỗ Bích Thúy chia sẻ: Song song với việc sáng tác tiểu thuyết, chị đã hoàn thành kịch bản, với mong muốn xây dựng một bộ phim từ tác phẩm này.

"Chúa đất" là tác phẩm văn học thứ 13 viết về đề tài dân tộc miền núi của nhà văn Đỗ Bích Thúy, sau những tác phẩm tiêu biểu như: "Tiếng đàn môi sau bờ rào đá", "Sau những mùa trăng", "Ngải đắng ở trên núi".... vừa được giới thiệu tới độc giả. Sau 18 năm gắn bó với Hà Nội, đã có những bước chuyển vùng sáng tác về đô thị, nhà văn Đỗ Bích Thúy lại tiếp tục quay về với đề tài vốn máu thịt, nơi luôn khiến ngòi bút của chị thăng hoa - miền núi. Tiểu thuyết "Chúa đất" do Nhà xuất bản Phụ Nữ ấn hành.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước