Phong tục chơi hoa ngày Tết là chủ đề của chương trình Góc nhìn văn hóa phát sóng ngày 13/1. Cũng như mâm ngũ quả ngày Tết, hoa Tết cũng không thể thiếu trong mỗi gia đình người Việt. Mỗi loài hoa được chọn bày trí trong nhà đều mang một ý nghĩa riêng cùng với mong ước về những điều tốt đẹp của gia chủ trong năm mới.
Kể từ ngày 23 tháng Chạp, Lễ ông Công, ông Táo, chợ hoa Tết chính thức mở cửa đón khách ở khắp các địa phương trên cả nước. Người dân bắt đầu đón những ngày đầu tiên của năm mới khi dạo quanh chợ hoa, thưởng không khí Tết, chọn mua những loại hoa, cây yêu thích để chưng trong nhà dịp năm mới. Đối với nhiều người, Tết đến sớm khi hoa về.
Cùng với chợ hoa Quảng An, chợ hoa Hàng Lược, hay những năm gần đây là chợ hoa trước sân vận động quốc gia Mỹ Đình, chợ hoa trên đường Hoàng Hoa Thám… là điểm đến không thể bỏ qua của người dân thủ đô mỗi dịp Tết. Đi chợ hoa không phải chỉ để mua hoa mà để cảm nhận Tết đang về rất gần.
Nếu như thịt cá, thực phẩm, nhu yếu phẩm mang đến một cái Tết no đủ về vật chất, thì việc thưởng thức hoa mang đến cho con người những giá trị tinh thần, tượng trưng cho sinh khí, cho hi vọng. Đó cũng là lí do vì sao cứ phải sát Tết, nhiều mới đi mua cành hoa về cắm, để đảm bảo cho những ngày Tết hoa tươi rói, với hi vọng một năm mới mọi thứ tốt lành, may mắn,
Xưa vào dịp Tết, các gia đình không thể thiếu bình hoa violet, thược dược, hoa dơn... Thời nay nhu cầu thưởng lãm hoa đa dạng hơn và thị trường cũng nhiều loại hoa để chơi Tết hơn như hoa ly, tulip, các loại hoa nhập ngoại... Riêng hoa đào và quất ở miền Bắc, hoa mai ở miền Nam luôn đươc ưa chuộng dù là thời nào. Cứ có đào, có quất, có mai... là Tết về.
"Nếu nói chơi hoa, ngoài ý nghĩa tín ngưỡng thì còn ý nghĩa tâm linh. Tại sao người ta chơi hoa đào? Trong thang giá trị của châu Á, màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn. Hoa đào tượng trưng cho sự may mắn nên người Việt rất thích chơi. Người ta đặt ngoài vườn hay cắm trong bình, chơi hoa với hai tâm thế, một là đẹp khi nhìn thấy hoa trong nhà, ngoài sân sẽ gợi tới mùa Xuân rực rỡ đã về. Chơi hoa còn để di dưỡng tinh thần, tâm hồn sảng khoái", nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ.
Cũng bởi hoa mang một giá trị tinh thần to lớn vào dịp Tết mà nó trở thành một mặt hàng không thể thiếu mỗi mùa xuân. Nhiều người nông dân, nhiều nhà vườn, nhiều thương lái cũng chờ cả năm để kinh doanh một mùa Tết. Chính vì thế mà giá cả các loại hoa, cây cảnh chơi Tết cũng là một mối quan tâm với mọi người.
Đã có những hình ảnh đau lòng khi nhà vườn đành phải phá bỏ những chậu hoa cả năm chăm bón do bị người mua ép giá xuống quá rẻ. Tết năm nào cũng thế, đợi đến ngày 30 tháng chạp mới mua hoa để có giá rẻ hơn là tâm lý ở không ít khách mua hoa tết. Điều đó trở thành sự "giằng co" giữa người mua hoa, thương lái lẫn nhà vườn...
"Đối với người Việt, Tết không thể thiếu hoa, dù chỉ là một chậu hoa nho nhỏ, một lọ cắm đơn sơ trong nhà. Những người không có điều kiện chờ tới chiều 30 Tết, thậm chí tới đêm 30 để hoa rẻ nhất sẽ mua. Những điều mong mỏi nhất là chiều 30 hoa vừa hết, người bán hoa gồng gánh vui vẻ ra về đếm tiền còn người mua hoa cảm thấy hài lòng vì mua được một bó hoa, cành đào như ý và hợp với thu nhập của mình. Tôi cho rằng đó là cái kết đẹp nhất cho mọi cái Tết đối với người bán hoa và chơi hoa", nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho biết.
Dù giàu hay nghèo, dù làm bất kể công việc gì, ai cũng mong muốn được về nhà sum vầy đón Tết. Nhưng chúng ta vẫn nhìn thấy hình ảnh những người bán hoa vẫn cố đứng đợi ở ven đường chờ người mua nốt. Vẫn biết bán hàng chỉ mong có khách mua, miễn sao bán hết. Nhưng Tết đến xuân về, ngày 30 Tết, mong người mua đừng vì tính toán thiệt hơn chút đỉnh mà mua muộn, ép giá người bán hoa, để những bông hoa chúng ta mang về nhà không chỉ đẹp mà còn tươi thắm sự sẻ chia.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!