Jerome K Jerome là nhà văn nổi tiếng người Anh được độc giả thế giới biết đến qua tác phẩm Three Men in a Boat đình đám. Tuy nhiên, The Idle Thoughts of an Indle Fellow - cuốn sách xuất bản trước Three Men in a Boat mới là tập sách đáng chú ý nhất trong sự nghiệp của ông.
Mới đây, cuốn sách được ra mắt tại Việt Nam với tựa đề Suy nghĩ vẩn vơ của kẻ nhàn rỗi do dịch giả Nguyễn Xuân Hồng chuyển ngữ.
"Ngày nay, những gì độc giả đòi hỏi trong một cuốn sách là nó cần phải mở mang kiến thức, đưa ra chỉ dẫn và khích lệ. Tất cả những gì tôi có thể gợi ý bạn là khi thấy mệt mỏi vì đọc 'một trăm cuốn sách để đời', có thể bạn sẽ cầm lấy cuốn sách này trong nửa giờ thôi", tác giả khuyên bạn đọc trong phần lời tựa của mình.
Đọc vài trang đầu của cuốn sách, độc giả chắc chắn sẽ không bị thu hút. Nhưng nếu kiên nhẫn vượt qua vài trang 'vẩn vơ' đó, chúng ta lại thấy những 'suy nghĩ vẩn vơ' ấy lại vẫn rất 'thời sự' cho dù trang viết của tác giả Jeromr cách chúng ta 1 thế kỷ.
Với 15 câu chuyện ngắn, tác giả gửi tới bạn đọc những suy tư từ chuyện thời tiết, ăn uống cho đến chuyện thành công, yêu đương hay cách mặc quần áo và cư xử... Có những điều thuộc về trạng thái của con người như rỗi hơi, khi nhút nhát, lúc túng tiền... cũng được ông nhìn nhận và lý giải bằng con mắt quan sát hài hước.
Ví như, khi nói về nỗi u sầu của mỗi người, tác giả cho rằng: "Như một quy luật, không phải phiền muộn mới khiến chúng ta u sầu. Chúng ta cứ thổn thức mãi về một bức ảnh, nhưng lẽ ra ngay từ đầu chúng ta nên chuyển ánh mắt của mình đi thật nhanh".
Hay là với bài "Rảnh rỗi", tác giả không chỉ nói chuyện rằng tôi đang nhàn rỗi đây, không có việc làm, đang nói nhảm, đang thảnh thơi đây mà còn nói về sự quý báu của thời gian như thế nào khi cho rằng: lúc nhàn rỗi là lúc chán nhất. Khi chúng ta bận rộn, chúng ta cứ nghĩ rằng mong ước đến lúc thảnh thơi. Nhưng lúc thảnh thơi là lúc con người buồn chán nhất, tức là nói đến sự quý trọng thời gian.
Dịch giả Nguyễn Xuân Hồng, người trực tiếp dịch cuốn này cũng phải than rằng nó 'khó nhằn' vì những triết lý mà tác giả gửi vào tác phẩm của mình.
"Thực sự là khó. Nó không phải là tiểu thuyết. Nếu là tiểu thuyết thì có cốt truyện, nhiều chỗ mình có thể phán đoán được mạch chuyện. Nhưng tản văn thì hoàn toàn khác. Mỗi một mẩu là một vấn đề mà nhiều khi mình không bắt được mạch tư duy của tác giả thì không thể hiểu được ông ấy muốn nói gì. Một điều khó nữa là đây là cuốn sách được viết từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 nên bối cảnh xã hội cũng khác với văn hóa bây giờ", dịch giả Nguyễn Xuân Hồng lý giải.
Suy nghĩ vẩn vơ của kẻ nhàn rỗi là một trong những tác phẩm đầu tiên trong sự nghiệp văn chương của Jerome Klapka Jerome. Cùng với Suy nghĩ vẩn vơ của cô nàng nhàn rỗi cũng sắp có mặt tại Việt Nam, nó tạo thành một bộ đôi hoàn hảo mang lại danh tiếng cho ông.