Phim truyền hình Hàn Quốc từng thống trị Netflix với hàng loạt những bộ phim đứng đầu bảng xếp hạng toàn cầu (dành cho phim không nói tiếng Anh) như: Squid Game, Hellbound, The Glory... Các bộ phim ra mắt gần đây, dù kinh phí sản xuất lớn nhưng lại rất chật vật để lọt vào "Top 10 toàn cầu" của Netflix. Mask Girl là bộ phim cuối cùng đứng đầu bàng xếp hạng này vào tuần thứ ba của tháng 8.
Tính từ tháng 8/2023, Netflix đã phát hành hàng loạt những bộ phim truyền hình Hàn Quốc có quy mô lớn như: Song of the Bandits, Doona, Sweet Home 2 và Gyeongseong Creature. Mặc dù quy tụ dàn diễn viên toàn sao với mức đầu tư khủng·nhưng vẫn không thể vươn lên đứng đầu bảng xếp hạng của Netflix.
Theo những người trong ngành, Netflix đã đầu tư khoảng 36 tỉ won (27 triệu USD) để sản xuất Song of the Bandits, ra mắt vào tháng 9/2023, kể câu chuyện về những người Hàn Quốc sống trong thời kì Nhật Bản đô hộ. Đây là một trong những bộ phim Hàn có kinh phí cao nhất mà Netflix đầu tư sản xuất. Dù được truyền thông quảng bá liên tục là Squid Games tiếp theo nhưng Song of the Bandits chỉ lọt Top 10 Netflix trong đúng 3 tuần và chưa từng chạm tới được vị trí đầu bảng.
Doona, bộ phim dài 9 tập có sự tham gia của cựu thần tượng Suzy, cũng tiêu tốn khoảng 20-30 tỉ won, trong khi Sweet Home 2 có kinh phí sản xuất lên tới 30 tỉ won. Dù mức đầu tư cao nhưng cả hai bộ phim vẫn có vài tuần không lọt được vào Top 10.
Bộ phim giả tường Gyeongseong Creature được cho là đã tiêu tốn của Netflix 70 tỉ won nhưng chỉ có 3 tuần lọt vào Top 10 toàn cầu ở vị trí thứ 3. "Kinh phí sản xuất của Gyeongseong Creature quá cao. Đáng lẽ nó phải có ít nhất 1 lần đứng đầu Netflix toàn cầu. Tuy nhiên, phim chỉ mới đi được nửa chặng đường nên cần chờ các diễn biến tiếp theo nhưng khả năng giành được vị trí số 1 có vẻ hơi khó" một người trong ngành nhận định.
Các chuyên gia cho rằng, lí do khiến phim truyền hình Hàn Quốc giảm sức hút trên Netflix là do sử dụng quá nhiều hiệu ứng kĩ xảo. "Hàn Quốc đang cố gắng chứng tỏ năng lực sản xuất các bộ phim thuộc thể loại giả tưởng, quái vật. Các nhà sản xuất đang lạm dụng quá nhiều kĩ xảo, hiệu ứng đặc biệt thay vì cách kể chuyện sâu sắc vốn có" nhà phê bình văn hóa Kim Hern Sik nhận định.
Bên cạnh đó, cũng có những nguyên nhân mang tính định kì khiến tỉ suất người xem các chương trình Hàn Quốc trên Netflix giảm. "Khi đại dịch kết thúc, lượng khán giả xem các nền tảng trực tuyến cũng giảm dần. Số giờ xem được ghi nhận là đã giảm mạnh khiến nhiều người tự hỏi liệu Squid Game có lập được những kỉ lục đáng ngưỡng mộ như vậy nếu được phát hành vào cuối năm 2024" Kim nói.
Theo ông, thành công đáng kinh ngạc của Squid Game và The Glory đã khiến người Hàn Quốc bị ảo tưởng về mức độ phổ biến của phim Hàn trên toàn cầu. "Sự phổ biến của nội dung Hàn Quốc vẫn thấp hơn nhiều so với nội dung được sản xuất bằng tiếng Anh. Thế nên chỉ cần lọt vào top 10 hạng mục không nói tiếng Anh là đã được xem là thành công".
Một số nhà sản xuất nói thêm rằng, thành công trên Netflix không phải lúc nào cũng phù hợp với mục tiêu mà họ đặt ra. "Đối với chúng tôi Netflix chỉ là phương tiện để tác phẩm của mình đạt được hiệu ứng lan tỏa trên toàn cầu. Chúng tôi cũng không tạo ra "Sinh vật Kyungseong" để đáp ứng thị hiếu của người xem. Sau khi bộ phim ra mắt lượng tìm kiếm trên Google về Đơn vị 731 đã tăng theo cấp số nhân ở Nhật Bản" biên kịch Kang Eun Kyung của bộ phim Gyeongseong Creature cho biết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!