Triều Nguyễn đã ghi dấu vào nền "văn hóa mặc" của Việt Nam một kho tàng trang phục độc đáo, có giá trị mỹ thuật lẫn giá trị lịch sử sâu sắc. Thời nay, chúng ta có rất nhiều phương tiện để tiếp cận với cổ phục thời Nguyễn.
So với các triều đại trước đó, kho tư liệu thành văn và cổ vật về trang phục Nguyễn triều được xem là đồ sộ và tương đối đầy đủ để nghiên cứu, đặc biệt là tài liệu lịch sử, cổ vật, và hội họa. Tương tự những hiện tượng, đồ vật mang hơi hướng của nghệ thuật thị giác, các yếu tố có trên Lễ phục cung đình Huế cũng mang những ý nghĩa riêng về mặt ký hiệu. Được xem là sự tổng hòa mối quan hệ giữa hình thức bề ngoài và nội dung hàm chứa bên trong.
Không gian sẽ diễn ra chương trình (Ảnh: BTC)
Diễn giả chính là Thạc sĩ Trần Minh Nhựt - chủ nhân của công trình nghiên cứu mang tên "Nghệ thuật minh họa áo mũ thời Nguyễn đầu thế kỉ XX" - gây tiếng vang lớn trong giới chuyên môn và học thuật. Công trình nghiên cứu được thực hiện trong nhiều năm, là những đánh giá khách quan trên tinh thần khoa học về cả mặt lịch sử lẫn nghệ thuật. Bộ sách cung cấp những hình ảnh chi tiết của trang phục vua chúa, phi tần, quan lại triều Nguyễn nằm trong bộ tranh "Grande Tenue de la Cour d’Annam" (Tạm dịch: Đại lễ phục Triều đình An Nam) của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân vẽ vào năm 1902, dưới triều vua Thành Thái.
Tham gia chương trình khán giả sẽ có cơ hội tìm hiểu về Lễ Tết cung đình Huế và những đặc điểm nghệ thuật, văn hóa có trên trang phục thời Nguyễn.
Talkshow "Ký hiệu học văn hóa trên lễ phục thời Nguyễn" sẽ diễn ra từ 9h30 sáng 11/2 (Mùng 2 Tết) tại sân khấu A, Đường sách Nguyễn Văn Bình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!