Do cuộc sống bận bịu, do có nhiều loại hình giải trí chi phối nên văn chương không còn được độc giả mặn mà như xưa. Cách lý giải này cũng có cơ sở nhưng liệu đã hoàn toàn đúng? Theo thống kê, mỗi năm số lượng sách văn học ra lò khoảng 3.000 cuốn, chiếm 10-12% tổng số sách toàn ngành xuất bản, con số không nhỏ. Nhưng nếu hỏi rằng có tác phẩm nào là đỉnh cao, lay động mạnh mẽ lòng người như từng có trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ hay những năm đầu đổi mới hay không thì quả thực, rất khó để gọi tên.
Trong văn chương nghệ thuật, không có mẫu số chung của thành công. Ở văn học kháng chiến, có những nhà thơ đào sâu vào thế giới tâm hồn của cá nhân như Xuân Diệu, Huy Cận…, có nhà thơ hướng về đề tài đất nước lớn lao như Tố Hữu…, nhưng tất cả họ đều là những ngọn núi cao trong nền văn học. Bởi khi cái tôi của nhà văn là cái tôi đầy trách nhiệm với đời sống, nó không mâu thuẫn với cái ta chung của cộng đồng.
Nền văn học đương đại cũng có những cây bút tạo nên hiện tượng trên văn đàn từ những đề tài bình dị nhưng chinh phục được bạn đọc vì đẫm hơi thở cuộc sống và thông điệp nhân văn như Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Nhật Ánh…
"Đó là những cây bút có tài. Họ đáp ứng được, đồng cảm với lượng độc giả rất đông. Vấn đề ở đây vẫn là tài năng. Đã không có tài thì chịu, viết giời cũng không thể hay được", nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ. Sự thành công của một số cây bút cho thấy nhu cầu hướng thiện, thưởng thức cái hay, cái đẹp của độc giả vẫn rất lớn. Chỉ là nếu văn chương không đủ đáp ứng khát vọng ấy thì độc giả sẽ tìm ở điện ảnh, âm nhạc và những loại hình giải trí khác.
Những hiện tượng như Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Nhật Ánh không nhiều. Những người lạc quan sẽ cho rằng văn chương cần có độ lùi để đánh giá đúng tầm vóc, do đó không nên bị quan. Nhận định này có phần đúng, song cũng cần tỉnh táo để nhận ra rằng tỷ lệ đọc sách ở Việt Nam đang ở mức thấp so với thế giới, trung bình một người đọc 3,5 quyển/năm. Để cải thiện tình hình này, cần bắt đầu từ những áng văn chương khiến trái tim người đọc rung cảm. Tất nhiên, người ta vẫn thường nói – Cơm áo không đùa với khách thơ. Để tài năng của nhà văn cất cánh, thăng hoa cần rất nhiều yếu tố.
Nhà nước cần có những chính sách đặt hàng đặt niềm tin ở cây bút tài năng. Các nhà xuất bản cần đổi mới tư duy, đỡ đầu cho những tác phẩm tiềm năng… Đó là những giải pháp cần thiết. Nhưng trên hết cuộc sống cần tinh thần dấn thân của các nhà văn, những người mang sứ mệnh khai phóng tâm hồn, bồi đắp giá trị tinh thần cho cuộc sống.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!