Đi tìm vị trí xứng đáng cho bảo tàng ngoài công lập

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 06/12/2022 14:06 GMT+7

VTV.vn - Không ít trong số các bảo tàng ngoài công lập hiện nay có quy mô ngang với bảo tàng Nhà nước, với số hiện vật lớn, quý hiếm và giá trị.

Trong hệ thống gần 200 bảo tàng hiện có, bảo tàng tư nhân hay bảo tàng ngoài công lập chiếm số lượng không nhỏ, khoảng 55 bảo tàng. Điều đáng nói, không ít trong số đó có quy mô ngang với bảo tàng Nhà nước, với số hiện vật lớn, quý hiếm và giá trị. Làm thế nào để phát huy vai trò của bảo tàng tư nhân trong giữ gìn di sản? Đây cũng chính là chủ đề của chương trình Góc nhìn văn hóa ngày 6/12.

Bước ngoặt tạo cơ sở cho sự ra đời của các bảo tàng tư nhân là Luật Di sản văn hóa sửa đổi bổ sung năm 2009. Hơn 10 năm qua, số lượng bảo tàng tư nhân đã phát triển rất nhanh chóng. Thành lập bảo tàng tư nhân không chỉ có các nhà bảo tàng học hay văn nghệ sĩ mà còn có giáo viên, cựu chiến binh, kỹ sư, doanh nhân… góp phần khắc phục tình trạng thất thoát cổ vật và tạo thêm nhiều điểm đến hấp dẫn, thu hút khách du lịch.

Những cổ vật quý hiếm do bàn tay của nhiều thế hệ nghệ nhân chế tác trong gần 200 năm trước được trưng bày tại bào tàng tư nhân đầu tiên ở Huế. Bảo tàng đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn do nhà nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Trần Đình Sơn tự bỏ kinh phí để xây dựng. Nơi đây quy tụ những vật phẩm gốm cổ rất quý và đặc trưng của Triều Nguyễn, có một không hai tại Việt Nam. Còn đến với bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, bảo tàng gia đình đầu tiên ở Việt Nam, người xem có thể thăm quan hơn 400 hiện vật về tư liệu cuộc đời và sự nghiệp của người trí thức suốt đời phụng sự Tổ quốc, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, nghiên cứu văn hóa, từ các công trình nghiên cứu, thư từ các tài liệu hành chính qua hai cuộc kháng chiến.

Lần đầu tiên ở Việt Nam, người dân một thôn làng tự nguyện quyên góp tiền để xây dựng bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá. Trưng bày nhiều bức ảnh lịch sử quý, bảo tàng tập trung kể câu chuyện về nghề nhiếp ảnh ở Lai Xá với mong muốn trả lời nhiều câu hỏi như: lịch sử hình thành của làng nghề, làm sao để xây dựng một thương hiệu ảnh…Tuy chỉ là một không gian nhỏ nhưng nó chứa đựng sự tâm huyết, trách nhiệm của người dân trong việc bảo tồn và giới thiệu di sản văn hóa đặc sắc của quê hương.

Giờ đây, đi tới đâu cũng có thể bắt gặp các bảo tàng ngoài công lập, từ phố xá sầm uất đến các làng quê, từ trung tâm đô thị đến vùng ven biển, sườn núi xa xôi, có bảo tàng là các tòa cao ốc, và cũng có những nơi chỉ là khuôn viên căn nhà truyền thống cổ xưa. Nhưng có lẽ đó cũng chính là điều làm nên vẻ hấp dẫn riêng của các bảo tàng tư nhân mà các bảo tàng công lập không có được. Theo thống kê, hiện các bảo tàng tư nhân gồm 8 nhóm chính, gồm bảo tàng về cổ vật, bảo tàng nghệ thuật, bảo tàng về lịch sử chiến tranh, bảo tàng chuyên ngành, bảo tàng về tôn giáo, bảo tàng văn hóa dân gian, bảo tàng danh nhân, gia đình, bảo tàng mang tính tổng hợp.

Tuy nhiên, để các bảo tàng tư nhân phát huy tương xứng với tiềm năng thì vẫn còn khá nhiều thách thức. Các bảo tàng này phải tự chủ nguồn kinh phí, dựa nhiều vào nguồn bán vé. Hầu hết các bảo tàng ngoài công lập đang thiếu nguồn nhân lực chuyên nghiệp. Gần như họ không thể tự sống dựa vào nguồn bán vé tham quan, mà phải có khai thác dịch vụ đi kèm ….Vậy họ cần cơ chế nào để phát triển?

"Chúng ta có thể bổ sung những nội dung mới về bảo tàng ngoài công lập để cập nhật phù hợp tình hình thực tế trong Luật Di sản và các văn bản quy phạm pháp luật. Thứ hai là xây dựng thêm chính sách ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp đầu tư vào bảo tảng, đẩy mạnh xã hội hóa để tạo nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước cho các bảo tàng ngoài công lập, những chính sách về đất đai cho bảo tàng mới được thành lập, hỗ trợ đào tạo cho các bảo tàng ngoài công lập đúng chuyên môn và mở rộng được mối quan hệ hợp tác quốc tế, để xây dựng thương hiệu và quảng báo hình ảnh của bảo tàng, giới thiệu những sưu tập hiện vật quý hiếm của bảo tàng đến với bạn bè trên thế giới", TS Hoàng Thanh Mai - Khoa Di sản văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội chia sẻ về cơ chế hỗ trợ để phát triển bền vững bảo tàng tư nhân.

Cuối năm 2020, Huế là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng chính sách hỗ trợ bảo tàng ngoài công lập như hỗ trợ giá thuê cơ sở nhà đất, hỗ trợ phát triển sản phẩm lưu niệm, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực; quảng bá hình ảnh…. Đây thật sự là cú hích lớn. Bên cạnh đó, các quỹ hỗ trợ văn hóa, sự kết nối giữa bảo tàng công lập và tư nhân, hay kiến tạo các tour du lịch… cũng là những cơ chế cần được tính đến và đẩy mạnh. Bởi những hiện vật vô giá được lưu giữ tuy là của tư nhân, nhưng chứa đựng trong đó văn hóa lịch sử của cả dân tộc. Và các bảo tàng ngoài công lập cần có vị trí xứng đáng trong công tác giáo dục lịch sử, lan tỏa tình yêu truyền thống tới các thế hệ hôm nay và mai sau.

Tham quan bảo tàng y học cổ truyền tư nhân đầu tiên của Việt Nam Tham quan bảo tàng y học cổ truyền tư nhân đầu tiên của Việt Nam

VTV.vn - Nép mình ở một góc đường Hoàng Dư Khương, quận 10, TP.HCM, Fito là bảo tàng về y học cổ truyền tư nhân đầu tiên ở Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước