'Điểm mặt' các di sản đặc sắc mới được vinh danh

Theo Tường Linh/Thể thao Văn hóa-Thứ bảy, ngày 29/11/2014 12:00 GMT+7

Giấy thủ công Washi của Nhật Bản

Bên cạnh dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam, hàng loạt hoạt động văn hóa và loại hình nghệ thuật của thế giới đã được công nhận di sản. Dưới đây là một số các di sản đặc sắc.

1. Ca khúc dân ca Arirang của Triều Tiên, Hàn Quốc

Arirang là một bài dân ca phổ biến ở Triều Tiên và Hàn Quốc. Những người bạn, các gia đình và cả cộng đồng cùng nhau hát ca khúc này, tại các sự kiện chung hoặc các lễ hội. Ca khúc được lưu truyền lại theo phương thức truyền khẩu và tới nay đã tồn tại dưới nhiều hình thức truyền thống khác nhau. Các bài hát Arirang thường có giai điệu nhẹ nhàng, với nội dung nói về sự chia ly, đoàn tụ, về nỗi buồn, niềm vui và sự hạnh phúc. Bài hát này củng cố các mối quan hệ xã hội, đề cao sự tôn trọng lẫn nhau và sự phát triển xã hội trong an lành.

2. Truyền thống xông hơi sauna ở Estonia

Truyền thống xông hơi là một phần quan trọng trong cuộc sống thường nhật ở cộng đồng Voro tại Estonia. Truyền thống này gồm các nghi thức tắm, kỹ thuật làm chổi tắm, xây và sửa phòng xông hơi, kỹ thuật hun khói thịt trong phòng xông hơi.

Hoạt động xông hơi thường diễn ra vào các ngày thứ Bảy, nhưng còn được thực hiện vào các lễ hội lớn và các sự kiện gia đình, giúp tâm hồn và thể xác những người tham gia được thư thái.

3. Truyền thống làm đồ đồng ở Jandiala Guru, Punjab, Ấn Độ

Kỹ thuật làm đồ gia dụng thủ công của những người Thatheras ở Jandiala Guru rất độc đáo. Tiến trình bắt đầu bằng việc tạo ra các "bánh" kim loại được cán mỏng. Từ đây, người ta bắt đầu dùng búa để tạo hình chúng thành những chiếc chậu, nồi và bình. Cuối cùng người ta dùng cát, nước me và axít loãng để đánh bóng sản phẩm.

Các món đồ được tạo ra có thể sử dụng cho sinh hoạt hoặc phục vụ các nghi lễ mang màu sắc tôn giáo. Các kỹ thuật chế tạo đồ đồng chỉ được truyền khẩu trong cộng đồng, từ thế hệ này sang thế hệ khác.

4. Kỹ thuật làm giấy thủ công Washi, Nhật Bản

Hoạt động làm giấy Washi bằng các phương pháp thủ công được thực hiện ở 3 cộng đồng tại Nhật Bản. Giấy được làm từ vỏ cây dâu tằm, được dùng để làm sách và viết lách. Giấy này còn được dùng để làm các vách ngăn chia phòng và cửa trượt. Các gia đình làm giấy thủ công sẽ hoạt động dưới sự giám sát của các nghệ nhân, những người đã được cha mẹ truyền lại cho kỹ thuật làm giấy.

3 cộng đồng kể trên đóng vai trò quan trọng, giúp nghề làm giấy Washi tiếp tục trường tồn.

5. Nghệ thuật Dombra Kuy, Kazakhstan

Nghệ thuật Dombra Kuy có liên quan tới hoạt động trình diễn đơn trên cây đàn truyền thống của người Kazakhstan. Âm nhạc tạo ra từ tiếng đàn có mục đích kết nối người dân với truyền thống và cội rễ lịch sử của dân tộc.

Hoạt động trình diễn nghệ thuật Dombra Kuy được thực hiện tại các gia đình, các buổi tụ họp của cộng đồng. Song hành với âm nhạc thường là các câu chuyện, kể về các huyền thoại dân gian. Nghệ thuật này đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường tính kết nối cộng đồng của người dân Kazakhstan.

6. Hoạt động chuẩn bị và làm bánh mỳ lavash ở Armenia

Lavash là một dạng bánh mỳ dẹt truyền thống, gắn bó rất chặt với ẩm thực Armenia. Việc chuẩn bị loại bánh này đòi hỏi nhiều công sức, sự phối hợp và kỹ năng tốt của những người làm bánh. Nó giúp tăng cường sự kết nối trong gia đình, cộng đồng và xã hội.

Thông thường tại Armenia, phụ nữ sẽ cùng nhau làm và nướng bánh lavash. Bánh thường được ăn cùng phô mai, rau xanh và thịt. Lavash có vai trò quan trọng về mặt nghi thức trong các đám cưới, tại đó bánh được đặt lên vai cặp vợ chồng mới kết hôn, biểu tượng cho khả năng sinh đẻ và sự phồn thịnh.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

 

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước