Năm 2023 có thể coi là một năm vô cùng tàn khốc với ngành công nghiệp giải trí khi những cuộc đình công đã khiến nền kinh tế thiệt hại hơn 5 tỷ USD. Cuộc đình công cũng đánh dấu sự kết thúc cho một kỷ nguyên khi Hollywood bắt đầu những khó khăn mới trong việc thực hiện công việc sáng tạo của mình, từ việc làm phim điện ảnh, truyền hình cho tới các chương trình phát sóng.
Thực tế là thời kỳ hoàng kim đã chính thức kết thúc và hai cuộc đình công kép của biên kịch - diễn viên đã giúp các hãng phim có chỗ để loại bỏ những hợp đồng không mong muốn cũng như cắt giảm ngân sách. Theo Hollywood Reporter, nền giải trí Hollywood mới sau đình công sẽ "gọn gàng" hơn nhiều.
"Hoạt động kinh doanh đã trải qua một kỳ đại dịch, một cuộc đình công kép và suy thoái kinh tế. Các công ty đang tỉnh táo trở lại. Với các biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất thuộc tầng lớn lao động, sẽ có sự thắt chặt lại", một giám đốc điều hành trong ngành giải trí cho biết. Đồng tình với ý kiến này, nhà sản xuất Avatar Jon Landau cho rằng Hollywood trong thời gian sẽ tập trung vào chất lượng dự án thay vì vẽ ra hàng loạt dự án mới như trước đây.
Theo Hollywood Reporter, để vực dậy ngành công nghiệp giải trí, Hollywood sẽ cần phải vật lộn với năm cuộc khủng hoảng hậu đình công:
Phát trực tuyến - ngành kinh doanh tệ hại
Những người tiêu dùng chắc chắn rất thích những nền tảng phát trực tuyến bởi họ có thể xem những chương trình yêu thích bất cứ khi nào họ muốn. Sự cạnh tranh khốc liệt giữa các dịch vụ đồng nghĩa với việc khán giả có thêm nhiều sự lựa chọn hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, một vấn đề là các cuộc chiến phát sóng trực tuyến đã thu hút những "gã khổng lồ" giải trí và khiến lợi nhuận dồi dào của họ biến mất nhanh chóng.
Cuộc chiến này thực chất đã bắt đầu từ năm 2017 và 2018, khi hoạt động trực tuyến của Netflix phát triển mạnh mẽ với doanh thu ròng hàng năm tăng từ 186 triệu USD lên 559 triệu USD. Giá cổ phiếu mở đầu vào năm 2017 ở mức 130 USD 1 cổ phiếu đã tăng vọt lên hơn 360 USD vào năm 2018.
Thành công của Netflix khiến Disney hoảng sợ, lập tức rút toàn bộ nội dung của mình khỏi Netflix và ra mắt nền tảng trực tuyến riêng mang tên Disney+. Sau lần ra mắt này, hàng loạt nền tảng trực tuyến ra đời như Peacock, Paramount + và HBO Max (nay là Max).
(Ảnh: Gabby Jones/Bloomberg)
Kết quả là hàng chục tỷ USD chảy vào nội dung phát trực tuyến, bỏ qua mảng truyền hình gây ra tổn thất lớn cho các công ty truyền thông truyền thống bước vào lĩnh vực này. Comcast, Disney, Warner Bros. Discovery và Paramount đã lỗ tổng cộng 10 tỷ USD từ các dịch vụ phát trực tuyến vào năm 2022. Chỉ riêng Netflix báo cáo lợi nhuận là 6,5 tỷ USD.
Đây là một tình huống tồi tệ khi thị trường chứng khoán không còn đánh giá các công ty phát trực tuyến là những "gã khổng lồ" công nghệ nữa. Tình hình trở nên căng thẳng hơn sau khi các cuộc đình công của Hiệp hội biên kịch (WGA) và Hiệp hội diễn viên Hollywood (SAG-AFTRA) diễn ra khiến các chương trình truyền hình cũng như phim điện ảnh buộc phải tạm dừng sản xuất. Điều này sau đó đặt ra câu hỏi rằng liệu phát sóng trực tuyến có thể hoạt động như một mô hình kinh doanh hay không.
Đỉnh cao của truyền hình kết thúc, thù lao giảm dần
(Ảnh: SELMAN HOŞGÖR cho ROLLING STONE)
Trong gần một thập kỷ, Chủ tịch của FX Networks John Landgraf đã tuyên bố rằng có quá nhiều chương trình truyền hình được sản xuất. Năm 2015 được ông gọi là bắt đầu "đỉnh cao truyền hình" khi có tới 420 series phim từng được phát sóng. Đến năm 2022, con số này được nâng lên là 599 loạt phim. Thế nhưng sau cuộc đình công hiện tại, con số sản xuất phim truyền hình chắc chắn sẽ giảm sút, ít nhất là giảm 10% và thậm chí là giảm 50%.
Xét theo mọi khía cạnh, các nhà sản xuất hàng đầu vẫn sẽ tiếp tục có nguồn thu lớn, lên đến 8 hoặc 9 con số USD. Thế nhưng, những nhà sản xuất tầm trung có lẽ sẽ phải chật vật hơn. "Giống như là nếu 3 Body Problem không thành công, không ai trả cho họ 25 triệu USD mỗi năm cho hợp đồng tiếp theo cả", một đại diện tại Hollywood đưa ví dụ về cách vận hành và thù lao đối với phim truyền hình.
Chính vì lẽ đó, Hollywood trong thời gian tới sẽ tập trung vào những series phim thương mại nhiều hơn thay vì những loạt phim giới hạn mang tính nghệ thuật với giá trị từ 10 - 12 triệu USD. Những ngôi sao lớn vẫn rất quan trọng nhưng vấn đề quan trọng hơn mà các nhà sản xuất nghĩ đến chính là chương trình phải mang tính thương mại.
Hình ảnh trong phim "Killers of the Flower Moon". (Ảnh: Apple TV+)
Vào năm 2019, trước khi COVID-19 khiến phòng vé lao đao, doanh thu bán vé phim trên toàn thế giới đã đạt mức cao nhất mọi thời đại: 42,3 tỷ USD, bao gồm 11,4 tỷ USD tại Bắc Mỹ. Trong khi doanh thu phòng vé Bắc Mỹ đã quay trở lại mức 7,5 tỷ USD vào năm 2022 và có thể đạt mức 9 tỷ USD vào cuối năm nay thì các giám đốc điều hành vẫn dự đoán rằng ngành điện ảnh khó có thể trở lại thời hoàng kim trước đại dịch. Về cơ bản, ngành kinh doanh rạp chiếu phim vẫn đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.
David Herrin - người sáng lập công ty giám sát phim The Quorum - cho biết: "Có rất nhiều nghiên cứu cho thấy mọi người đang đứng ngoài cuộc. Có thể họ đã quen với việc xem phim ở nhà hoặc họ sợ ở trong không gian kín và tối. Dù lý do là gì thì chúng đều có thật và là thách thức đối với rạp chiếu phim, làm thế nào để các hãng phim bù đắp những tổn thất đó".
Đáp lại kết quả này, một nhà phân phối trong ngành lại cho rằng mục tiêu không phải là 11 tỷ USD doanh thu phòng vé như năm 2019. Mục tiêu hiện nay phải là có hoạt động kinh doanh gãy gọn, hiệu quả hơn nhằm mang lại nhiều lợi nhuận cho hãng.
Thực tế là ở thời điểm hiện tại, những bộ phim phục vụ người trên 35 tuổi đang gặp nguy hiểm. Ngoại lệ trong năm nay phải kể đến Oppenheimer của Christopher Nolan. Dù là phim về nhân vật lịch sử dài hơn 3 tiếng nhưng bộ phim vẫn thu về hơn 940 triệu USD toàn cầu, một con số đáng kinh ngạc. Điều này khiến những người trong ngành hi vọng rằng những người trên 35 tuổi sẽ dần trở lại rạp phim trong thời gian tới. Killers of the Flower Moon với kinh phí 200 triệu USD của Martin Scorsese cũng là một phép thử tiếp theo dành cho thể loại phim phục vụ người trưởng thành.
“Thách thức đối với rạp chiếu sau các cuộc đình công sẽ giống như trước đây và hơn bao giờ hết trong kỷ nguyên phát trực tuyến, đó chính là tạo ra những bộ phim có tính cấp bách về văn hóa và khả năng xem lại mạnh mẽ”, Tom Rothman - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Sony Pictures - khẳng định.
(Ảnh: Jay L. Clendenin / Los Angeles Times)
Những rào cản liên quan tới việc sử dụng AI (trí tuệ nhân tạo) chính là một trong những điều gây tranh cãi trong cuộc đàm phán giữa các nhà biên kịch với các hãng phim. Trong thỏa thuận mới hậu đình công, WGA đã bảo đảm một số biện pháp nhằm bảo vệ các thành viên và công việc của họ khỏi AI. Tuy nhiên, trong thỏa thuận không đề cập tới việc liệu các hãng phim có thể sử dụng tài liệu của biên kịch làm dữ liệu đào tạo cho AI hay không.
Trong tương lai không xa, các công ty AI có thể chuyển sang cạnh tranh với chính những hãng phim bằng cách triển khai công cụ AI viết kịch bản. Điều này đồng nghĩa những hãng phim có ý định đào tạo hệ thống AI của riêng mình sẽ gặp bất lợi khi đối đầu với các công ty công nghệ.
"Tại sao một hãng phim lại muốn những bộ phim 100 năm tuổi bị AI của bên thứ ba đánh cắp?", luật sư đại diện cho các biên kịch chia sẻ luận điểm, "Sau đó, bất kỳ ai cũng có thể sử dụng và tạo ra những kịch bản dựa trên tài sản trí tuệ của người khác".
Sự trỗi dậy của mạng xã hội
Tất cả những biện pháp "thắt lương buộc bụng" sau cùng không thể giải quyết được vấn đề lớn hơn khi sự cạnh tranh trở nay gay gắt giữa truyền hình, nền tảng trực tuyến và mạng xã hội.
Đối với các thanh thiếu niên và người trẻ tuổi, họ đã chọn được những điều thú vị hơn để giải trí. Theo báo cáo, phần lớn người dùng TikTok đều dưới 30 tuổi và họ dành nhiều thời gian cho ứng dụng này. Cụ thể, tại Mỹ, người dùng TikTok dành trung bình hơn 80 phút mỗi ngày để lướt các video. Người dùng YouTube cũng dành hơn một tiếng mỗi ngày trên nền tảng này, nơi mà những kênh như MrBeast hay Cocomelon đều có lượng người theo dõi đông đảo, lên đến hơn 100 triệu người trên toàn thế giới. Thậm chí, mạng xã hội còn được sử dụng nhiều hơn so với dịch vụ phát trực tuyến.
Nhìn chung, cuộc đình công của biên kịch đã kết thúc và các diễn viên đang đàm phán là một dấu hiệu đáng mừng của Hollywood. Tuy nhiên, thách thức vẫn ở trước mắt. Đó chính là một thách thức khổng lồ của Hollywood mà dường như chưa một "ông lớn" nào có thể giải quyết được, đó là việc thâm nhập vào tất cả các góc của giải trí nhằm giành lại lượng khán giả lớn trước đây của mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!