Gạn đục khơi trong văn học trên mạng, cần những giải pháp nào?

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 07/07/2023 07:28 GMT+7

VTV.vn - Mặt trái của văn học mạng đang bộc lộ khá rõ, trong khi chưa có một giải pháp quản lý hữu hiệu nào để sàng lọc chất lượng những tác phẩm này.

Xuất hiện được khoảng hơn 2 thập kỷ, văn học mạng tại Việt Nam hiện vẫn phát triển mang tính cá nhân và tự phát. Đã có những cây viết trẻ thành công, nhưng đây cũng là nơi dung dưỡng cho không ít tác phẩm dễ dãi, kém chất lượng, thậm chí độc hại, nhưng lại chưa có một cơ chế quản lý cụ thể nào với loại hình này.

Cùng với sự phát triển của internet, văn học giờ đây cũng có một đời sống khác: đời sống trên mạng xã hội. Chỉ một cú nhấp chuột, độc giả đã có thể tiếp cận với thế giới của những truyện ngắn, tiểu thuyết được sáng tác hàng tuần, thậm chí là hàng ngày, tác giả viết đến đâu ra mắt đến đó. Khoảng cách giữa người sáng tác và người đọc chưa bao giờ gần đến thế. Nhưng có một thực tế đang nổi cộm là rất nhiều trong số đó có nội dung dễ dãi, nhảm nhí, thậm chí là kích động lối sống buông thả, trụy lạc, trong khi độc giả phần lớn là người trẻ tuổi.

Văn học mạng Việt Nam trải qua nhiều bước thăng trầm, từ năm 2000-2009 là giai đoạn phát triển bùng nổ, tạo nên nhiều hiện tượng . Sau đó một thời gian dài trầm lắng và mới sôi động trở lại vài năm gần đây. Tuy nhiên, mặt trái của nó đang bộc lộ khá rõ, trong khi chưa có một giải pháp quản lý hữu hiệu nào để sàng lọc chất lượng những tác phẩm này.

Trong khi các tác phẩm văn học được in ấn, phát hành phải qua quy trình biên tập, kiểm duyệt của các nhà xuất bản và được hậu kiểm bởi các cơ quan chức năng thì những tác phẩm viết mạng đến với độc giả chỉ sau cú click chuột, thông qua trang cá nhân trên mạng xã hội của tác giả, các hội nhóm, diễn đàn, các trang web, nền tảng đọc truyện.

Đa số các trang văn học mạng họ chỉ cần lượt traffic (lượt truy cập) nên họ bất chấp đăng tải các nội dung nhạy cảm. Khi càng có nhiều người truy cập, người chủ trang web càng có thu nhập từ quảng cáo. Hầu hết các nền tảng đó đặt máy chủ ở nước ngoài, là các nền tảng xuyên biên giới, đó cũng là thách thức của quản lý nhà nước.

Quản lý các tác phẩm viết mạng trên các nền tảng xuyên biên giới là điều không dễ nhưng một bài toán khó hơn là làm sao vừa kiểm soát, định hướng được tư tưởng, nội dung tác phẩm vừa bảo vệ quyền tự do cho những người sáng tạo chân chính và bảo đảm quyền hưởng thụ văn hóa lành mạnh của cộng đồng.

Thực tế, văn học mạng không phải là sản phẩm thứ cấp của văn học, nó có những đặc thù riêng mà văn học truyền thống không thể có được. Nhiều cây bút trẻ bước ra từ văn học mạng đã khẳng định được vị trí của mình nhờ nền tảng ban đầu này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước