Gian nan nghề xiếc: Hào quang nào cũng phải đánh đổi

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 13/05/2023 13:11 GMT+7

VTV.vn - Tần suất tai nạn lao động trong một năm các nghệ sỹ xiếc gặp phải lên tới gần 40%, gấp 20 lần so với mức độ tai nạn lao động trong ngành công nghiệp sản xuất thông thường.

Ngã gãy tay, gãy chân, gãy cổ, liệt nửa người, thậm chí mất mạng... khi thực hiện những động tác khó ở trên cao; ị động vật tấn công trong những màn biểu diễn xiếc thú. Mới đây nhất, một nữ diễn viên xiếc Trung Quốc đã tử vong do rơi từ độ cao 10m xuống đất trong khi luyện tập mà không thắt dây an toàn. Đó chỉ là số ít những tai nạn kinh hoàng mà những nghệ sĩ xiếc Việt Nam và thế giới phải đối mặt.

Xiếc được đánh giá là một trong những lĩnh vực nghệ thuật có nhiều nguy cơ bị tai nạn và bệnh nghề nghiệp vào loại cao nhất. Theo thống kê của Hội Khoa học an toàn vệ sinh lao động Việt Nam, tần suất tai nạn lao động trong một năm mà các nghệ sĩ xiếc gặp phải đã lên tới gần 40%, gấp 20 lần so với mức độ tai nạn lao động trong ngành công nghiệp sản xuất thông thường. Nguy hiểm thường trực, thế nhưng việc xác định thang lương đối với các nghệ sĩ xiếc hoạt động trong các đơn vị công lập vẫn còn nhiều bất cập.

"Trách nhiệm của nghệ sĩ là hàng ngày phải luyện tập. Nhưng hàng ngày họ đi tập thì không có bồi dưỡng. Có tiền bồi dưỡng chỉ khi vào tập các chương trình mới. Chế độ theo nghị định nếu tập luyện thì chỉ 80 nghìn/ ngày, chế độ bồi dưỡng thì không vượt qua 200.000 đồng cho 1 buổi biểu diễn. Số tiền nhỏ so với sự cống hiến của các nghệ sĩ xiếc với đặc thù phải bỏ rất công sức tập luyện và có rất nhiều nguy hiểm", NSND Tống Toàn Thắng - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ.

Thực ra, hào quang nào cũng phải đánh đổi. Nghề nghiệp nào cũng có những nỗi niềm riêng. Và cơm áo gạo tiền luôn là áp lực dù ở môi trường nào. Nhưng nghề xiếc có những đặc thù mà sự đánh đổi là quá lớn.

Các nghệ sĩ luôn nỗ lực vượt qua để tận hiến với nghề. Nhưng mỗi năm, tính riêng Liên đoàn Xiếc Việt Nam, có khoảng gần 20% các nghệ sĩ xiếc bỏ đơn vị công, đi theo lời mời gia nhập các đoàn diễn nghệ thuật của các công ty giải trí tư nhân. Nếu nhìn sang lĩnh vực thể thao, các địa phương đang dần giải quyết chế độ chính sách đặc thù dành riêng cho các HLV, VĐV thể thao, có những kế hoạch cụ thể về việc xây dựng cơ chế thu hút nhân tài. Xiếc cũng cần có những thay đổi như vậy, vì như ông bà ta vẫn nói – "Có thực mới vực được đạo".

"Rõ ràng đây là một ngành đặc thù. Các em làm nghề đã học từ 10 tuổi, các em đã cống hiến cả tuổi thanh xuân. Quy định là khi tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp thì các em đang là 1,86 mà nhân với lương cơ bản hiện nay là 1490, như vậy các em chỉ được hơn 3 triệu tiền lương. Cục NTBD cũng đang triển khai rốt ráo lập hồ sơ đề nghị, xây dựng nghị định chính sách đối với văn nghệ sĩ, trong đó có đề án đặc thù cho tuổi nghỉ hưu của một số đặc trưng nghệ thuật khác nhau. Bên cạnh đó, có sự đãi ngộ về tiền lương. Chúng tôi rất hy vọng không phải là hệ thống lương một cách cơ học, hấp dẫn được giới trẻ, những nghề nghiệp đặc thù", nghệ sĩ ưu tú Trần Ly Ly - Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết.

Có cơ chế chính sách phù hợp để các rạp xiếc có thể chi trả cao hơn cho các nghệ sĩ xiếc… là những giải pháp quan trọng của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa. Bên cạnh đó, muốn ngành xiếc phát triển với đội ngũ nhân lực bền vững, cần phải có sự đầu tư nhiều hơn nữa. Như tại nước Nga, Cục Xiếc hoạt động là một cơ quan độc lập và chuyên nghiệp, có cơ chế đặc thù riêng cho ngành xiếc. Họ tổ chức thường niên những cuộc thi xiếc quốc tế quy mô lớn, thu hút các đoàn xiếc khắp thế giới tham gia, từ đó tạo ra thương hiệu xiếc quốc gia. Hay những đoàn xiếc ở châu Âu, Trung Quốc, được xã hội hóa tạo ra nhiều sản phẩm công phu, chương trình biểu diễn xiếc hoành tráng. Họ tự do chiêu mộ những nghệ sĩ giỏi từ khắp nơi trên thế giới, nghệ sĩ được nhận thù lao theo lợi nhuận của mỗi vở diễn, đảm bảo được kinh tế và tạo ra sự gắn bó.

Đầu tư luôn là một bài toán khó. Gần đây, Việt Nam cũng nỗ lực tổ chức các Liên hoan xiếc quốc tế để nâng tầm thương hiệu, qua đó nâng cao đời sống nghệ sĩ. Tuy nhiên, một phần nguyên nhân cũng bởi thiếu sự đầu tư. Có những cuộc thi xiếc thế giới, giải thưởng lên tới 30.000 USD. Còn ở Việt Nam, giải Vàng được khoảng 7 triệu đồng. Nếu không nâng tầm được vị thế ngành xiếc thì vẫn còn rất khó để thay đổi những chế độ đãi ngộ tương xứng cho người nghệ sĩ.

Quyết định số 1755 "Phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" của Thủ tướng Chính phủ khẳng định các ngành công nghiệp văn hóa là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nếu từng bộ môn nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt là nghệ thuật xiếc được đầu tư đúng mức, có sự linh hoạt trong liên kết công - tư, xã hội hóa đúng hướng, dày công sáng tạo, sẽ tạo ra được những bước chuyển mạnh cho ngành nói riêng và cho phát triển công nghiệp văn hóa nói chung.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước