Giảng dạy nghệ thuật trong trường học: Khi những đứa trẻ sẽ là lớp công chúng tương lai

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 19/02/2023 13:55 GMT+7

VTV.vn - Giảng dạy nghệ thuật trong trường học giúp học sinh nâng cao thẩm mỹ bản thân, từ đó tạo ra một thế hệ học sinh cũng là thế hệ công chúng với tư duy nghệ thuật sâu sắc.

Trường học giờ đây không chỉ đơn thuần là nơi truyền thụ kiến thức mà đang dần trở thành một trong những không gian văn hóa nghệ thuật của học sinh, nhất là khi chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai. Giáo dục nghệ thuật ngày càng chiếm vị trí quan trọng.

Ngay từ bậc tiểu học, giáo dục nghệ thuật đã được chủ động, nhằm giúp trẻ phát triển thể chất, tình cảm, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách. Đến bậc phổ thông, giáo dục nghệ thuật được thực hiện thông qua nhiều môn học, cốt lõi là âm nhạc, mỹ thuật. Từ lớp 10 – 12, học sinh được lựa chọn các môn học thuộc nhóm môn công nghệ hoặc nghệ thuật phù hợp với định hướng nghề nghiệp, sở thích và năng lực của bản thân.

Như vậy, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo dục nghệ thuật được xây dựng theo quan điểm tập trung phát triển ở học sinh năng lực cảm thụ nghệ thuật. Các nhà trường bên cạnh kiến thức cơ bản, thiết thực còn tập trung vào thực hành để phát triển hài hòa đức – trí – thể - mỹ và định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Nhiều trường học đã mạnh dạn đầu tư về nhân sự, cơ sở vật chất để trẻ có được không gian nghệ thuật học đường một cách đúng nghĩa.

Phát triển thể chất, tinh thần và sự sáng tạo, nhiều giá trị sẽ được bồi đắp, hiệu quả của việc dạy nghệ thuật trong trường học còn giúp các em thẩm định được tác phẩm nghệ thuật, nâng cao tiêu chuẩn thẩm mỹ của chính các em đối với bản thân và cuộc sống xung quanh, từ đó tạo ra một thế hệ học sinh cũng là thế hệ công chúng với tư duy nghệ thuật sâu sắc, giúp tạo ra một xã hội đẹp từ diện mạo bên ngoài đến chiều sâu tâm hồn bên trong.

"Nhiều bộ môn nghệ thuật đã trở thành môn học trong trường học. Điều đó rất ý nghĩa, giúp các em có thể cảm nhận tốt hơn về những tác phẩm nghệ thuật, các em sau này chính là lớp công chúng trẻ", biên đạo múa Lương Thị Hà Nhi chia sẻ.

"Mỗi khi mệt mỏi, buồn chán hay bất cứ khoảnh khắc nào trong cuộc sống thì chúng ta đều cần đến âm nhạc, nghệ thuật. Việc đem các môn nghệ thuật trong trường học như hát, múa, nhảy, vẽ… sẽ có cách nhìn rõ rệt hơn nữa khi thưởng thức nghệ thuât", ca sĩ Đức Phúc cho hay.

Hiểu được vai trò của nghệ thuật trong nhà trường, khi các môn âm nhạc, mỹ thuật được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông mới, nhiều học sinh đã rất hào hứng đón chờ. Ngoài việc có được năng lực thẩm mỹ, các em còn hy vọng những điều tiếp nhận được từ cấp trung học phổ thông sẽ là nền tảng để lựa chọn nghề nghiệp liên quan đến nghệ thuật tương lai. Tuy nhiên, do là lĩnh vực có nhiều đặc thù nên việc triển khai ở nhiều địa phương còn nhiều khó khăn, từ thiếu giáo viên đến cơ sở vật chất kỹ thuật.

Dù âm nhạc và mỹ thuật là môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông mới nhưng tất cả các địa phương vẫn chưa bố trí được giáo viên dạy hai môn học này ở bậc trung học phổ thông. Có thể thấy, để hai môn học này đạt hiệu quả hơn nữa thì cần có thêm sự quan tâm và đầu tư. Như vậy, mới có thể kỳ vọng vào việc dạy nghệ thuật gó phần giúp học sinh hình thành nhân cách, hài hòa về thể chất và tinh thần. Trẻ từ đó có thể nhận ra cái xấu, phản văn hóa, tránh xa các thông tin xấu độc trên mạng xã hội, ảnh hưởng đến tư duy, thẩm mỹ và nhiễm các thói xấu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước