Các thể loại âm nhạc phong phú, nghệ sĩ có phong cách muôn màu, chính điều này đã định hình cho công chúng các thị hiếu âm nhạc khác nhau. Thị hiếu âm nhạc được định nghĩ là sở thích, xu hướng ưa chuộng loại hình âm nhạc của một cộng đồng trong một giai đoạn nhất định. Ở thời chiến, thị hiếu âm nhạc của xã hội hướng vào những ca khúc hào hùng, ngợi ca tình yêu tổ quốc, lý tưởng cách mạng. Trở về thời bình, công chúng hướng đến những sở thích âm nhạc riêng, đa dạng phụ thuộc vào kinh nghiệm sống, trình độ mỗi người. Điều này đã hình thành nên một xã hội đa thị hiếu.
Theo khán giả, những bài hát đang thịnh hành được người xem chọn lựa để tìm ra lý do vì sao bài hát ấy lại được nhiều người nghe tới vậy. Một sản phẩm nhiều lượt nghe đôi khi không đi đôi với chất lượng, top thịnh hành cũng tương tự, đôi khi nó chỉ chứng minh độ thịnh hành mà không có nghĩa là sản phẩm tốt. Trong khi đó, số lượng người xem lại quyết định thu nhập của các nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng số. Chính vì lẽ đó, không phải ai cũng làm nhạc vì đam mê. Tuy nhiên, dù thế nào thị hiếu âm nhạc vẫn phải hướng tới giá trị cơ bản, đó là tính thẩm mỹ nghệ thuật và nhân văn. Đi ngược lại những giá trị này đều có thể dẫn tới những thị hiếu méo mó.
"Đối với người xem, những tác phẩm kém chất lượng có thể tác động tới tư duy, cảm nhận âm nhạc. Theo các sản phẩm nhạc hay định hướng âm nhạc như vậy có thể trong tương lai sẽ trở thành những người bị khuyết tật tính thẩm mỹ, cảm nhận nghệ thuật và từ đó là khuyết tật trong tâm hồn mỗi người. Điều nguy hiểm nhất đối với những người sáng tạo nội dung là được sự hưởng ứng của rất nhiều fan trong cộng đồng số, tạo ra cảm giác họ có tầm quan trọng, có sự dẫn dắt thị hiếu người xem. Cá nhân tôi đánh giá đó chưa phải nghệ thuật", ông Nguyễn Quang Long – Nhà phê bình âm nhạc – chia sẻ.
"Nghệ thuật phải là sự tích tụ những điều thật đẹp thông qua lăng kính của người nghệ sĩ, để sản phẩm đó góp phần làm đẹp hơn trong tâm hồn mỗi chúng ta. Trách nhiệm của người nghệ sĩ là sáng tạo ra những nội dung để làm đẹp cuộc đời, điều đó đặc biệt cần thiết trong giai đoạn hiện nay".
Gu thưởng thức nghệ thuật là của mỗi người. Nhưng định hướng phát triển các dòng âm nhạc như thế nào để định hình thị hiếu lại là công việc của các nhà sản xuất, nhạc sĩ, ca sĩ và bao trùm lên là công việc của các nhà quản lý chính sách. Một số quốc gia, tiêu biểu như Hàn Quốc, đã biến âm nhạc thành ngành công nghiệp mang lại sự ảnh hưởng to lớn, tác động đến thị hiếu nghe nhạc của công chúng trong nước và trên toàn thế giới.
Âm nhạc không đơn thuần chỉ là giải trí trong đó có dòng chảy ngôn ngữ đương đại. Âm nhạc phản chiếu nhận thức, quan điểm, suy nghĩ, cảm xúc, thái độ của nhạc sĩ, ca sĩ đối với vấn đề được quan tâm trong đời sống. Từ đó, nó thấm dần vào ngôn ngữ, nhận thức của người nghe. Các nhà sản xuất, nhạc sĩ, ca sĩ, những người phổ biến ca khúc cần nêu cao trách nhiệm của mình trong quá trình lao động nghệ thuật. Các cơ quan quản lý cần có chính sách hiệu quả để đầu tư cho âm nhạc tiếp tục phát triển đúng hướng, đồng thời có biện pháp dọn dẹp triệt để những sản phẩm âm nhạc dễ dãi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!