Làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc thế kỷ 20, cũng như sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới có vai trò to lớn của văn học nghệ thuật. Đó là nền văn học, nghệ thuật yêu nước và nhân văn, gắn bó máu thịt với nhân dân và dân tộc, trở thành nguồn sức mạnh tinh thần to lớn của cả dân tộc.
Năm 2023 tròn 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam - mái nhà chung của hơn 40 nghìn văn nghệ sỹ hoạt động trong các chuyên ngành, đó là văn học, kiến trúc, sân khấu, mỹ thuật, âm nhạc, nhiếp ảnh, điện ảnh, văn nghệ dân gian, văn nghệ các dân tộc thiểu số trên cả nước
"Chỉ có khát vọng và hoài bão lớn về sự sáng tạo thì mới đi xa và bền vững được" - đây là lời gửi gắm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật với đội ngũ văn nghệ sĩ, với mong muốn các văn nghệ sỹ đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của sự nghiệp chấn hưng văn hóa.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành một tình cảm và sự trân trọng đặc biệt đối với các thế hệ văn nghệ sĩ - những người say mê với nghề nghiệp, dồn hết tài năng, tâm huyết để sáng tạo nên nhiều tác phẩm mới, sáng tạo các giá trị văn hoá. Tài năng và nhiệt huyết của các thế hệ văn nghệ sĩ đã đóng góp xứng đáng vào việc hình thành hệ giá trị mới, xây dựng nền văn hoá, văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người Việt Nam mới - yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương và sáng tạo. Đó là gắn bó với các giá trị truyền thống yêu nước và cách mạng, khẳng định các giá trị đạo đức, nhân văn của dân tộc, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của sự nghiệp chấn hưng văn hóa.
Kế thừa những giá trị của nền văn học nghệ thuật cách mạng, đã hình thành đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ là thế hệ kế cận tạo nên sinh khí mới cho đời sống văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới.
"Cha ông ta đã để lại một di sản vô cùng quan trọng không chỉ về văn học nghệ thuật mà là di sản của tự do, độc lập. Những giá trị ấy vô cùng quan trọng, nó sẽ quyết định trách nhiệm của người viết, trách nhiệm công dân đối với từng trang viết của mình, làm sao gắn cái tôi của mình đối với vận mệnh của đất nước", nhà văn Lữ Mai chia sẻ.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, văn học, nghệ thuật Việt Nam đứng trước nhiều thách thức, đặc biệt là sự bùng nổ các loại hình giải trí đa phương tiện trên môi trường số, tác động cả tích cực và tiêu cực đến đời sống và công chúng văn nghệ. Vì thế, tạo ra cơ chế khuyến khích tài năng sáng tạo, mới có thể có được đội ngũ văn nghệ sỹ dấn thân, bám sát hơi thở cuộc sống, để cho ra đời những tác phẩm đỉnh cao, giá trị, xứng tầm thời đại, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn học nghệ thuật ngày càng cao của công chúng
Từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức vào năm 2021, sau 2 năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng dự thảo "Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hoá, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn 2045". Mục tiêu của Chương trình nhằm huy động, tập trung nguồn lực đầu tư, hoàn chỉnh các thể chế để tạo ra bước chuyển biến căn bản và sự phát triển mạnh mẽ, bền vững của sự nghiệp phát triển văn hoá. Chương trình được kỳ vọng sẽ thổi một luồng gió mới trong cơ chế bồi dưỡng và khuyến khích phát triển lớp văn nghệ sỹ kế cận.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!