Những câu chuyện giật gân thường thu hút lượng lớn người xem và tương tác. Nhưng không ít trong số này chỉ là video được dàn dựng theo kịch bản, cố tình cắt ghép, chỉnh sửa theo ý đồ của người làm clip để thu hút người xem. Dựng chuyện giật gân để câu view, câu like, câu tiền là một trong những chiêu thức đang được bộ phận người làm nội dung số sử dụng trên không gian mạng. Đây là hiện tượng cần được nhận diện, gọi tên và lên án mạnh mẽ.
Tháng 4/2021, giữa cao điểm dịch COVID-19, câu chuyện ngụy tạo với nội dung bác sĩ Khoa rút ống thở của cha mẹ để nhường cho sản phụ mổ song sinh. Câu chuyện này đã gây chấn động mạng xã hội và được hàng chục ngàn người chia sẻ, đa phần đều thương xót. Tuy nhiên, vụ việc được cơ quan chức năng xác minh đối tượng cố ý dựng tin giả, dựng câu chuyện cảm động để kêu gọi từ thiện nhằm trục lợi.
Hay clip dài 7 phút với nội dung dùng điếu cày đánh bạn tử vong vì bị chế nhạo đẻ toàn con gái. Trước sự lan truyền chóng mặt của video này trên mạng xã hộ, cán bộ địa phương đã phải xác nhận với báo chí đây là clip dàn dựng. Hai trong số 4 người tham gia vụ việc cũng quay clip khẳng định đó chỉ là tình huống dàn dựng, điếu cày làm bằng giấy.
Những video trên thu hút hàng triệu hay chục triệu lượt xem và chia sẻ. Câu hỏi đặt ra là tác giả của những video này thực hiện với mục đích gì? Cho vui hay nổi tiếng? Dù biết bị phạt nhưng họ vẫn cố tình vi phạm.
Lừa đảo được định nghĩa là hành vi gian dối để làm cho người khác tin tưởng, nhằm thực hiện các mục đích vụ lợi, trái pháp luật. Động cơ của hành vi lừa đảo là nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác, hoặc làm cho người khác do hiểu sai sự thật mà tin tưởng, ủng hộ. Vậy, căn cứ vào đây, những hành vi bịa chuyện, dựng chuyện chính là lửa đảo.
Nếu đa phần các hình thức lừa đảo truyền thống ảnh hưởng trực tiếp đến các nạn nhân thì lừa đảo trên không gian mạng có thể ảnh hưởng rộng hơn. Một mặt gây ra tâm lý hoài nghi trong cộng đồng, mặt khác dẫn đến hành vi bắt chước của một bộ phận người xem, đặc biệt là người trẻ.
"Mở ra xem thì nào là cảnh bố chồng ngủ với con dâu, rồi chuyện đánh ghen, ngoại tình, rồi giang hồ mạng… nhưng tất cả chỉ là đóng clip…" – nhà báo Văn Việt, báo Lao động chia sẻ - "Những nhân vật ấy tạo ra những hiện trường giả để câu like, câu view lừa độc giả. Nguy hiểm hơn là nó tạo ra những hiện tượng xã hội khiến người ra nhìn thấy sự méo mó, độc hại vì mở mắt ra người ta thấy toàn chuyện đánh ghen, cảnh sát giao thông cướp đoạt tiền của người dân, khiến có cảm giác đây là một xã hội đầy chuyện bệnh hoạn. Trong khi xã hội Việt Nam vẫn có những điều tốt đẹp, việc làm tốt cần được nhân bản lên".
Bên cạnh video có nội dung dàn dựng gây tranh cãi, còn có video dàn dựng kể về những hoàn cảnh đáng thương, nhằm đánh vào lòng thương cảm của mọi người. Khi khám phá đó là những video giả, phần nào niềm tin của cộng đồng cũng bị xói mòn. Đây cũng là hậu quả nặng nề mà thực trạng clip dàn dựng trên mạng xã hội gây ra trong cộng đồng,
Xử lý nghiêm minh, quy định rõ ràng đối với các hành vi dàn dựng clip trên mạng là điều cần thiết. Về phía cộng đồng, người dùng mạng cũng cần thận trọng, tỉnh táo khi xem, like và chia sẻ thông tin. Người tiêu dùng thông thái có quyền tối thượng trong việc không đọc, không xem, không chia sẻ các nội dung xấu độc, nhằm xây dựng môi trường lành mạnh trên không gian mạng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!