Sau chặng đường phát triển gần một thập kỷ, chuỗi rạp nội địa Beta Cinemas đang ghi dấu cái tên của mình ngày càng mạnh mẽ hơn với dư luận trong và ngoài nước. Đầu tháng 10 vừa qua, Beta Cinemas đã xuất hiện trên bài đăng của loạt tạp chí nổi tiếng Bloomberg, StreetInsider, Digital Journal, AsiaOne, Yahoo Finance và hơn 400 trang báo quốc tế khác. Đây là một động thái đáng chú ý bởi việc thương hiệu Việt được “xướng tên” trên loạt báo uy tín hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh, tài chính toàn cầu không phải là chuyện thường thấy.
Trong bài đăng của mình, các tạp chí nhận xét Beta Cinemas là một nhân tố độc đáo và đầy tiềm năng của thị trường điện ảnh Việt Nam, cung cấp không chỉ hoạt động chiếu phim mà còn sản xuất phim, video, chương trình truyền hình; phân phối phim, video và chương trình truyền hình; nhà hàng và dịch vụ ăn uống lưu động; quảng cáo,.. Các thương vụ gọi vốn thành công từ VIG (Vietnam Investment Group), Blue HK (Hồng Kông) và Daiwa PI Partners (Nhật Bản) cũng gây sự chú ý của những tờ báo này. Đặc biệt, trang AsiaOne nổi tiếng của Singapore và Digital Journal của Canada dành nhiều lời khen ngợi cho Beta Cinemas về kết quả tăng trưởng ấn tượng dù đối mặt với nhiều khó khăn do COVID-19 gây ra. Năm 2022, tỷ lệ hồi phục sau dịch của thị trường điện ảnh Việt Nam đạt mức 78%, nhưng riêng với Beta Cinemas, con số này là 177%. Chuỗi rạp này cũng tăng gấp đôi thị phần so với thời điểm trước dịch.
Điều đáng nói ở chỗ đây không phải là lần đầu Beta Cinemas gây chú ý với báo giới quốc tế. Năm 2021, tạp chí kiến trúc, nội thất hàng đầu thế giới Interior Design đã dành hẳn 9 trang trong ấn bản tháng 7 để nói về thiết kế ấn tượng của rạp chiếu này. Trang My Modern Met và Luxury Launches cũng dành nhiều lời có cánh khi nhận xét về Beta Cinemas. Ngoài kiến trúc độc đáo và những con số tăng trưởng mạnh mẽ, lý do khiến thương hiệu này dành được nhiều sự chú ý như vậy còn do mô hình kinh doanh đặc biệt: nhượng quyền rạp chiếu phim. Nếu như trước đây, chẳng mấy ai nghĩ đến việc đầu tư rạp chiếu bóng vì chi phí không hề nhỏ mà lại quá khó cạnh tranh với chuỗi rạp nước ngoài, giờ đây nhà đầu tư đã có thể sở hữu một rạp chiếu phim có độ nhận diện thương hiệu cao chỉ với số vốn từ 3 tỷ đồng. Mô hình nhượng quyền giúp nhà đầu tư tiết kiệm tối đa chi phí branding và giảm bớt gánh nặng về bài toán vận hành.
Điều tạo nên đà phát triển vững chắc cho Beta Cinemas chính là chiến lược vận hành đầy khôn ngoan. Không cố gắng cạnh tranh bơi vào “đại dương đỏ”, thương hiệu này lựa chọn thị trường ngách có quy mô dân số đông nhưng lại chưa có nhiều lựa chọn về dịch vụ xem phim. Việc đặt vị trí tại các khu vùng ven tập trung nhiều trường đại học hay các khu công nghiệp, thay vì thuê mặt bằng trung tâm với giá đắt đỏ cũng giúp Beta Cinemas giải quyết gọn bài toán giữ mức giá dễ tiếp cận nhưng vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ, cơ sở vật chất. Để các nhà đầu tư nhỏ lẻ hay các hộ kinh doanh gia đình có thể dễ dàng tiếp cận, Beta Cinemas đưa ra 3 phân khúc nhượng quyền khác nhau là Beta Lite (Thiết kế trẻ trung, chất lượng tiêu chuẩn), Beta Standard (Thiết kế hiện đại, chất lượng quốc tế), Beta Premium (Thiết kế sang trọng, chất lượng đẳng cấp).
Giữa giai đoạn ảm đạm của nền kinh tế hiện nay, mô hình của Beta Cinemas đang là một điểm sáng trong lĩnh vực đầu tư và trong cục diện ngành rạp chiếu bóng. Với sự chú ý ngày càng lớn từ truyền thông quốc tế, Beta Cinemas hoàn toàn có khả năng tăng trưởng “chóng mặt” hơn nữa và hoàn thành mục tiêu mở rộng lượng rạp chiếu lên con số 50 trong vài năm tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!