Có một hiện tượng rất lạ khi một bữa tiệc sinh nhật xuất hiện trong phim điện ảnh hay trên TV: người ta hát For He’s a Jolly Good Fellow - bài hát sinh nhật nổi tiếng thứ hai thế giới, chứ không phải Happy Birthday (hay Happy Birthday To You), bài hát sinh nhật nổi tiếng nhất thế giới.
Nguyên nhân cũng bởi một tổ chức là hãng Warner Chappell đã tuyên bố bản quyền với Happy Birthday và thu tiền mỗi khi ai đó tìm cách sử dụng bài hát cho mục đích thương mại và sáng tạo, bất chấp việc nó đã có 122 tuổi đời (từ năm 1893).
Vụ kiện từ năm 2013
Vì bị bắt nộp 1.500 USD, một nhà làm phim đã bức xúc đi tìm sự thật về “bản quyền Happy Birthday” và lôi vụ việc ra tòa. 2 năm trước đó, một số nhà làm phim tài liệu đã bị Warner Chappell yêu cầu trả số tiền trên để có được giấy phép sử dụng bài hát do hãng này cấp.
Jennifer Nelson, nhà sản xuất của bộ phim tài liệu, chủ tịch hãng phim Good Morning To You, không tin vào quyền sở hữu của Warner Chappell và quyết định khởi kiện. Tờ New York Times gọi đây là “vụ kiện của nhiều thời đại”.
Nhiều người bất ngờ trước thực tế là lâu nay, sử dụng bài hát Happy Birthday trên phim vẫn bị thu tiền bản quyền.
“Từ khi bắt đầu sự nghiệp làm phim của mình, chưa bao giờ tôi nghĩ bài hát đó lại bị ai đó sở hữu bản quyền. Happy Birthday là bài hát thuộc về tất cả mọi người” – Nelson nói.
Nelson nhắc lại thông tin thực tế là vào năm 1893, hai chị em gái là Mildred J. Hill và Patty Smith Hill, đã sáng tác một bài hát tên là Good Morning To All. Good Morning To All đã đi vào đời sống và được dân gian biến tấu thành Happy Birthday ngày nay.
Năm 1893, chị em nhà Hill đã đăng ký bản quyền cho bài hát ở một công ty xuất bản tên là Clayton Summy. Về sau Summy cũng sở hữu Happy Birthday và nhượng lại cho Warner Chappell vào năm 1935, với phiên bản nhạc nền piano và phần ca từ mà cả thế giới ngày nay đều hát.
Và dù Warner Chappell tuyên bố bản quyền với Happy Birthday, bài hát thực ra chỉ là một “phiên bản chuyển thể đại chúng” của bài hát gốc, theo luật sư bên nguyên Mark C. Rifkin. Ông này nói: “Bài hát do đại chúng sáng tạo ra, nó thuộc về đại chúng, và cần được trả lại cho đại chúng”.
Được biết vào năm 1988, Warner Chappell đã trả 25 triệu USD cho công ty Birchtree Ltd. để mua quyền sở hữu một số bài hát, gồm có Happy Birthday.
Warner Chappell có nguy cơ mất 30 triệu USD
Nay, các công tố viên thụ lý vụ kiện vừa phát hiện thêm một tình tiết mới phủ nhận quyền sở hữu của Warner Chappell. Đây là tình tiết xoay chuyển tình thế.
3 tuần trước, 2 công tố viên Betsy Manifold và Mark Rifkin được tiếp cận với các tài liệu chứng minh quyền sở hữu của Warner Chappell, trong đó có một cuốn sách ghi lời bài hát từ năm 1927. Đó là bản in lần thứ 15 của cuốn The Everyday Song Book, trong đó đăng lời bài hát Happy Birthday.
Nhưng cuốn sách này đã rất cũ nên bị mờ. 2 công tố viên bèn tìm tới thư viện và có được một phiên bản được lưu giữ tốt hơn, in năm 1922. Trong đó, ca từ Happy Birthday được in mà “không có bất cứ lưu ý nào về bản quyền”.
Bên nguyên tin rằng cuốn sách này chứng minh ca từ Happy Birthday đã thuộc về đại chúng trước khi Warner Chappell đăng ký bản quyền để sở hữu nó.
Nếu thẩm phán chấp nhận lý lẽ này, Warner Chappell sẽ mất khoản thu lớn, tới 2 triệu USD mỗi năm. Các nhà làm phim sẽ không phải trả một xu nào để sử dụng bài hát Happy Birthday trong phim của mình.
Vụ kiện kéo dài đã 2 năm với nhiều tranh cãi qua lại giữa hai bên. Mùa Đông năm ngoái, họ đã có cuộc tranh luận trước thẩm phán. Còn nay, sau khi tình tiết nói trên được phát hiện, tất cả đang chờ đợi phán quyết của tòa án có “cởi trói” cho Happy Birthday hay không.
Đến nay, Warner Chappell vẫn tuyên bố bài hát chỉ hết hạn bảo hộ bản quyền ở Mỹ vào năm 2030, tức 15 năm nữa. Từ nay đến đó, họ sẽ kiếm thêm khoảng 30 triệu USD. Nhưng ở châu Âu, bài hát sẽ trở thành tài sản đại chúng vào ngày 31/12/2016.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!