Xuyên suốt chiều dài lịch sử đất nước, hình tượng người lính là một trong những biểu tượng khẳng định nền văn hóa dựng nước và giữ nước của dân tộc. Lịch sử văn hóa Việt Nam đã điêu khắc những tượng đài người người chiến sĩ của tình yêu nước, yêu dân, sẵn sàng hy sinh vì hòa bình, độc lập, tự do dân tộc.
Trải qua 2 cuộc kháng chiến Pháp và chống Mỹ cứu nước, nền mỹ thuật Việt Nam đã có rất nhiều tác phẩm được vẽ bằng máu, bằng nước mắt, bằng những năm tháng xông pha nơi chiến trường của lớp lớp họa sĩ, chiến sĩ. Thời nào cũng vậy, hình ảnh người bộ đội cụ Hồ kiên cường, tận tụy phụng sự nhân dân, đất nước luôn là niềm cảm hứng vô tận với những người nghệ sĩ cầm cọ.
Trong khi đó, đề tài chiến tranh, cách mạng và người lính là một trong những dòng chủ đạo góp phần làm nên sự phát triển rực rỡ của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam qua nhiều thập kỷ, từ thi ca, nhạc họa đến điện ảnh. Với âm nhạc, những ca khúc như Màu hoa đỏ, Đồng đội, Tình ca… được coi là những tác phẩm khá thành công về đề tài trên, được công chúng đón nhận. Những tác phẩm tiêu biểu của điện ảnh Việt Nam từ khi ra đời cho đến cuối những năm 80 hầu hết là những bộ phim gắn với đề tài chiến tranh cách mạng, trong đó người lính xuất hiện là nhân vật chính như Chị Tư Hậu, Con chim vành khuyên, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội… Ngay cả khi đất nước thống nhất, đề tài chiến tranh và hậu chiến vẫn luôn là mảnh đất sáng tạo của nhiều tên tuổi tài năng, với những tác phẩm nổi tiếng như Bao giờ cho đến tháng Mười, Tướng về hưu, Đừng đốt… Những năm gần đây, điện ảnh Việt Nam ghi nhận sự vào cuộc hào hứng, nhiệt tình với đề tài người lính, chiến tranh cách mạng của những đạo diễn trẻ, qua các bộ phim như Đường thư, Những người viết huyền thoại, Người trở về…
Có thể nói, với một đất nước đã trải qua những cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, hình ảnh người lính luôn là một mảng đề tài lớn, mảnh đất rộng để người người làm nghệ thuật khai thác, sáng tạo. Thế nhưng, để thu hút khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ đến với những tác phẩm thuộc thể loại này, đó là thách thức với các văn nghệ sĩ. Gần đây, những người làm sân khấu đã nỗ lực sáng tạo, đổi mới cách tiếp cận trong dàn dựng, kể chuyện, thủ pháp nghệ thuật để tạo sức hút cho nhiều vở diễn về hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ.
Nếu thực sự chạm đến cảm xúc thì tác phẩm văn học về đề tài chiến tranh, người lính không khô khan mà vẫn luôn cuốn hút, như Tủ sách Mãi mãi tuổi 20 của Nhà xuất bản Công an nhân dân mở đầu bằng cuốn nhật ký Nguyễn Văn Thảo, nhật ký Đặng Thùy Trâm, đặc biệt từ hiệu ứng của phim Đừng đốt tạo nên sức nóng hút công chúng tìm đến tác phẩm đạt kỷ lục số người xem, đọc nhiều nhất từ trước tới nay. Đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ với tìm tòi, sáng tạo mới sẽ tiếp tục thắp lên lòng tin yêu và tự hào về lịch sử đất nước trong thế hệ hôm nay và mai sau.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!