Thực tế, có những người cao tuổi bận rộn với việc chăm sóc con cháu nhưng cũng có những người cao tuổi cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình, bởi sự khác biệt trong quan điểm, lối sống và tuổi tác với các thế hệ sau. Điều này đang ngày càng trở nên phổ biến hơn trong xã hội hiện đại. Bởi cuộc sống bận rộn với nhiều mối bận tâm về gia đình, con cái, công việc đã chiếm hết thời gian của những người con, người cháu, khiến họ không còn đủ thời gian cho cha mẹ mình
Nhưng giờ đây nhiều người già cũng đã có tâm thế khác, chủ động hơn trong việc đi tìm niềm vui cuộc sống. Đó là các hội, nhóm, câu lạc bộ của chính họ. Đối với người cao tuổi, niềm vui nhiều khi là những điều thật giản dị. Họ có thể đi gặp gỡ bạn bè, sinh hoạt hội nhóm, câu lạc bộ không chỉ để rèn luyện sức khỏe, mà còn là để chia sẻ mọi điều trong cuộc sống. Độ tuổi nào cũng cần sự chia sẻ, nhưng với người cao tuổi điều đó càng quan trọng, vừa giúp họ không còn cảm thấy cô đơn vừa sống vui, sống khỏe, sống có ích.
Theo các chuyên gia, người cao tuổi khi tham gia các hoạt động xã hội sẽ tạo nên sự già hóa năng động, khỏe mạnh. Hiện nay có nhiều các hoạt động, hội nhóm phù hợp với các độ tuổi, mức độ sức khỏe, trình độ để người cao tuổi dễ dàng tham gia.
"Người cao tuổi cần có các mối quan hệ. Việc họ tham gia các hội nhóm trong bối cảnh hiện nay là điều hết sức cần thiết, để họ có cơ hội tiếp cận với những người cùng trang lứa, hoàn cảnh, độ tuổi, cơ hội sẻ chia, trao đổi, thông cảm, bảo vệ, giúp đỡ và quan tâm", bác sĩ Mai Xuân Phương - Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục, Tổng cục Dân số kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế chia sẻ.
Khi tham gia hoạt động xã hội, người cao tuổi nhận được rất nhiều lợi ích tốt cho đời sống tinh thần cũng như sức khỏe. Họ thấy cuộc sống có ý nghĩa và có ích hơn, giảm bớt cảm giác chán nản, mệt mỏi thường thấy, dễ thông cảm, sẻ chia, hạn chế những suy nghĩ tiêu cực, đặc biệt là khi họ được tham gia vào những hoạt động xã hội mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Người cao tuổi giờ đây không còn xa lạ với công nghệ, mà ở nhiều nơi, các cụ ông cụ bà còn biến mạng xã hội thành cánh tay nối dài của tình làng nghĩa xóm, nâng cao chất lượng sinh hoạt cộng đồng.
Người cao tuổi trong cả nước, bằng kinh nghiệm và uy tín của mình đã đóng góp tích cực vào các lĩnh vực đời sống xã hội, tham gia phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững ổn định chính trị tại địa phương. Nhiều người cao tuổi tham gia công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể ở khu dân cư như như chi bộ, hội người cao tuổi, ban Mặt trận, an ninh, hòa giải, liên gia tự quản...
Từ khi Liên Hợp Quốc lấy ngày 1/10 là Ngày Quốc tế Người cao tuổi, Việt Nam là một trong số các nước đã hưởng ứng ngay từ những ngày đầu. Tháng 10 hàng năm được Đảng, Nhà nước lựa chọn là "Tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam". Chương trình Hành động quốc gia cùng nhiều chính sách chăm sóc sức khỏe, tạo điều kiện cho người cao tuổi sống vui, sống khỏe và là điểm tựa vững chắc trong mỗi gia đình, dòng họ, xóm làng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!