Câu chuyện này được nhắc lại một lần nữa sau chiến thắng của nữ diễn viên 73 tuổi Youn Yuh Jung của Hàn Quốc ngày hôm qua (26/4) tại lễ trao giải Oscar lần thứ 93. Với vai diễn trong bộ phim bán tự truyện của đạo diễn Lee Isaac Chung, "Minari", Youn đóng vai bà ngoại Soon-ja, người gia nhập họ từ Hàn Quốc để giúp chăm sóc các cháu của mình.
Bộ phim đã giành được nhiều giải thưởng kể từ khi công chiếu tại Liên hoan phim Sundance 2020, và vai diễn của Youn được ca ngợi là vai diễn hiếm hoi, độc đáo. Bà đã giành được tổng cộng 39 giải thưởng cho vai diễn của mình trong "Minari", bao gồm các giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất tại Giải thưởng Screen Actors Guild Awards, Quả cầu vàng và Giải thưởng của Viện Hàn lâm Nghệ thuật Điện ảnh và Truyền hình Anh (BAFTA).
Youn Yuh Jung xúc động khi nhận tượng vàng Oscar. Bà nói đã không tin khi tên mình được xướng lên và phải mất một lúc để định thần lại. (Ảnh: Reuters-Yonhap)
Tại lễ trao giải Oscar được tổ chức tại Union Station ở Los Angeles, Youn đã đánh bại Maria Bakalova của phim "Borat Subsequent Moviefilm", Glenn Close trong "Hillbilly Elegy", Amanda Seyfried trong "Mank" và Olivia Colman trong "The Father". Với thành tích vừa làm được, Youn là phụ nữ châu Á thứ 2 giành giải Oscar diễn xuất sau Miyoshi Umeki, người Mỹ gốc Nhật, người giành giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất với vai diễn trong phim "Sayonara" (1957).
Các chuyên gia điện ảnh cho biết Youn đã nhận được sự công nhận xứng đáng cho vai Soon-ja và vai diễn này "phù hợp với bà như một chiếc găng tay". Tuy nhiên, một số chuyên gia điện ảnh vẫn tỏ ra băn khoăn về việc liệu thành công của Youn Yuh Jung có mang lại thay đổi thực sự cho Hollywood hay không?
"Tôi lạc quan một cách thận trọng rằng Hollywood sẽ mở cửa cho nhiều nghệ sĩ sáng tạo hơn như Lee Isaac Chung và các nhà làm phim độc lập khác, những người nhiều năm trước đã phải đấu tranh rất nhiều để có được tiếng nói của họ trong một ngành công nghiệp chủ yếu là người da trắng" - giáo sư David Scott Diffrient, Phó giáo sự về Nghiên cứu Điện ảnh và Truyền thông tại Colorado State University nói.
Trích dẫn ví dụ về những người gốc Á từng đoạt giải Oscar trước đây đã không thể thúc đẩy sự thay đổi lớn hơn ở Hollywood, giáo sư Hu cho biết ông hoài nghi về sự thay đổi đó trong tương lai gần.
"Mặc dù chiến thắng giải Oscar sẽ mang lại nhiều điều đáng mừng, nhưng nó sẽ không mở ra bất kỳ cánh cửa mới nào. Chúng ta đã thấy cách các diễn viên đoạt giải Oscar - như Miyoshi Umeki năm 1957 hay Haing S. Ngor năm 1984 - không dẫn đến nhiều người châu Á hơn"- Brian Hu, một trợ lý giáo sư về Truyền hình, Điện ảnh và Truyền thông Mới tại San Diego State University nói.
"Nếu nó làm được bất cứ điều gì, đó là nó có thể truyền cảm hứng cho nhiều diễn viên và nhà làm phim châu Á theo đuổi ước mơ của họ" - Brian Hu nói tiếp - "Chúng ta cũng nên lưu ý rằng Minari là một bộ phim độc lập với kinh phí tương đối nhỏ. Những thành tựu của nó là minh chứng cho kỹ năng và niềm tin của đạo diễn và nhà sản xuất, thay vì ý muốn của Hollywood nói chung".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!