Vùng đất Gia Định đã được định danh cách đây hơn 300 năm, trải qua nhiều lần biến thiên của lịch sử, đã ghi lại những dấu ấn sâu sắc về văn hóa, phong tục tập quán cũng như những chiến tích oai hùng trong các cuộc đấu tranh vệ quốc của con người nơi đây. Đã có rất nhiều tác phẩm văn học và một số loại hình nghệ thuật khác đề cập đến chủ đề này, riêng lĩnh vực sân khấu Cải lương thì "Khúc tráng ca Thành Gia Định" có thể nói là tác phẩm đầu tiên nói về con người, vùng đất Gia Định với nhiều thông tin lịch sử quý giá.
Vở diễn khái quát quá trình hình thành vùng đất Gia Định và tái hiện trận chiến Gia Định thành giữa quân ta, đứng đầu là vị tổng đốc Võ Duy Ninh cùng liên quân Pháp và Tây Ban Nha.
Một phân cảnh trong vở diễn (Ảnh: Nhà hát Trần Hữu Trang)
Tuy trận chiến ở thành Gia Định của quan quân nhà Nguyễn thất bại nhưng tinh thần đấu tranh không khoan nhượng để bảo vệ bờ cõi giang san đã trở thành biểu tượng sáng ngời về lòng yêu nước, là lời hiệu triệu để các thế hệ người dân Việt Nam đứng lên chiến đấu, quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Kế thừa tinh thần ấy, Nguyễn Tri Phương và Phạm Thế Hiển tập trung sức người, sức của xây dựng thành Chí Hòa, tiếp tục kháng Pháp và giành được một số thắng lợi vẻ vang.
Theo ông Phan Quốc Kiệt – Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang, dù là một vở cải lương đề tài lịch sử nhưng "Khúc tráng ca thành Gia Định" không hề khô cứng, giáo điều, khó xem. "Hiện nay, theo dõi nhiều trang mạng xã hội, tôi nhận thấy rằng, giới trẻ đang rất hào hứng tìm về nguồn cội dân tộc, quan tâm đến lịch sử. Đó là một trong những lý do khiến Nhà hát mạnh dạn đầu tư dàn dựng vở cải lương này. Bên cạnh những tình tiết hấp dẫn, lôi cuốn chúng tôi cũng cố gắng áp dụng một số công nghệ hiện đại để tạo hiệu quả cao", ông Kiệt tiết lộ.
Các diễn viên đang miệt mài tập luyện cho ngày công diễn sắp tới (Ảnh: Nhà hát Trần Hữu Trang)
Để phù hợp với đời sống hiện đại, đặc biệt là giới trẻ, Nhà hát đã đổi mới trong cách dàn dựng, đẩy nhanh tiết tấu của vở diễn, tránh rơi vào trường hợp rề rà, diễn giải lòng vòng. Bên cạnh những gương mặt "thương hiệu" của Nhà hát như: NSƯT Lê Tứ, NSƯT Tú Sương, NSƯT Thy Trang, nhiều diễn viên trẻ đã được giao đảm nhiệm những vai diễn khó nhằm mang tới sự tươi mới cho vở diễn đồng thời cũng hướng tới mục tiêu bồi dưỡng lực lượng kế thừa.
"Khi dàn dựng vở diễn này, bên cạnh việc định hướng phát triển nghệ thuật cho đơn vị trong thời gian tới, làm sao để cải lương luôn mới, luôn bắt kịp nhịp độ phát triển của các lĩnh vực kinh tế, xã hội, góp phần vào việc bảo tồn, phát huy những giá trị độc đáo của nghệ thuật sân khấu cải lương, Nhà hát còn muốn nhắc nhớ, tri ân những bậc tiền nhân đã đổ máu phơi xương để bảo vệ giang san bờ cõi", ông Phan Quốc Kiệt cho biết thêm.
Vở cải lương "Khúc tráng ca thành Gia Định" (tác giả Phạm Văn Đằng, đạo diễn NSƯT Hoa Hạ) sẽ có đêm công diễn đầu tiên vào ngày 27/1/2024 và tiếp tục phục vụ khán giả xuyên suốt Tết Giáp Thìn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!