Luật Điện ảnh đã ra đời cách đây hơn 10 năm. Hơn 10 năm qua, thị trường điện ảnh và phim truyền hình của Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường tăng trưởng cao trên thế giới, trung bình gần 25%/năm. Hàng chục phim đạt doanh thu trăm tỷ, điều mà chục năm trước chẳng ai dám nghĩ tới. Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đang được Quốc hội bàn rất được quan tâm, bởi nó đáp ứng đúng nhu cầu cần thay đổi để phát triển.
Những quy định cấm trong hoạt động điện ảnh
Một trong những điểm đáng chú ý trong dự thảo Luật Điện ảnh lần này là nêu rõ những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh. Làm thế nào để đặt ra những ranh giới, tránh có sự cổ xúy hay tác động tiêu cực lên người xem và xã hội, mà không cản trở sức sáng tạo không giới hạn của nghệ sỹ, đó là điều mà nhiều người tranh luận khi cho ý kiến về dự thảo lần này.
Vài năm trở lại đây, dựa trên những điều cấm về mặt nội dung trong Luật Điện ảnh sửa đổi năm 2009, đã có 5 phim bị cấm chiếu. Phim Vị của đạo diễn Lê Bảo bị cấm chiếu vì một đoạn cảnh khỏa thân kéo dài 30 phút. Phim Vợ ba của đạo diễn Nguyễn Phương Anh bị cấm chiếu vì có diễn viên đóng cảnh nhạy cảm khi mới 13 tuổi. Phim Bụi đời Chợ Lớn bị cấm chiếu vì nhiều cảnh thanh toán đẫm máu mà không có sự can thiệp của bất kỳ lực lượng xã hội nào, không đúng với bản chất cuộc sống của thành phố.
Chia sẻ về hiện tượng này, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho hay: "Chúng ta không thể đạt được thành tựu về điện ảnh ở khía cạnh nghệ thuật hoặc tài chính mà mâu thuẫn với luật và ngược lại. Nếu xảy ra mâu thuẫn thì có nghĩa các bên phải ngồi lại để nói chuyện và đối thoại với nhau".
Ngoài những tác phẩm điện ảnh bị cấm chiếu vì vi phạm điều cấm quá rõ ràng, nhiều đạo diễn cũng lo ngại sự suy diễn không có cơ sở dựa trên những điều cấm. Đạo diễn Đặng Nhật Minh đã thấm thía nhất những điều này vì ông trải qua cả thời gian làm phim từ khi chưa có Luật Điện ảnh đến tận bây giờ.
"Tôi làm bộ phim Thị xã trong tầm tay có nhân vật là cán bộ tổ chức, các cơ quan duyệt phimnói rằng không được động viên cán bộ tổ chức, không được đụng đến tổ chức. Tôi hỏi tại sao lại như vậy, không có căn cứ luật nào. Đến thời kinh tế thị trường có luật nhưng vẫn chung chung, căn cứ trên những suy diễn", đạo diễn Đặng Nhật Minh kể lại.
Nếu những nội dung và hành vi bị cấm trong Luật Điện ảnh năm 2009 được gói gọn trong 4 điều khoản thì dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) lần này cụ thể, ví dụ như: thể hiện chi tiết hình ảnh, âm thanh, lời thoại dâm ô, truỵ lạc, loạn luân. Hay vi phạm quyền lợi và lợi ích hợp pháp của trẻ em, người chưa thành niên hoặc gây tổn hại đến sức khỏe, thể chất của trẻ em, người chưa thành niên.
Ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định Luật Điện ảnh (sửa đổi) được cân nhắc để những khác niệm, điều quy định cụ thể không ảnh hưởng đến sự phát huy sáng tạo của nghệ sĩ điện ảnh.
"Hy vọng rằng số lượng điều cấm cũng phù hợp và cụ thể, minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng hơn", ông Phan Viết Lượng - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ.
Tiết kiệm hay hậu kiểm phổ biến phim trên mạng
Chỉ với chiếc điện thoại thông minh và có kết nối Internet, khán giả đã có thể chọn và xem một bộ phim bất kỳ trên kho phim của các nền tảng cung cấp phim cả nước ngoài hay trong nước. Số lượng phim có thể tính đến hàng nghìn, hay trăm nghìn. Vậy với một số lượng nhiều như vậy, việc kiểm duyệt các nội dung phim khi phổ biến trên mạng sẽ như thế nào. Nên kiểm duyệt trước khi phim được phát trên mạng, hay cứ phát trước, có vấn đề gì sẽ xử lý sau? Tức là tiền kiểm hay hậu kiểm? Đó cũng là câu hỏi được đặt ra khi bàn về dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi.
Giao cho các tổ chức cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng tự phân loại và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nhà nước chỉ kiểm tra, giám sát, xử lý sai phạm, nôm na là "tự kiểm và" "hậu kiểm". Đây là quy định hết sức mới mẻ của dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), mà theo cơ quan soạn thảo, là phù hợp với tình hình thực tế.
Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: "Số lượng phim trên mạng rất lớn, nếu tiền kiểm sẽ phát sinh bộ máy nhân lực, kinh phí đầu tư trang thiết bị... nên rất khó khả thi và không phù hợp với thực tế xu thế của thế giới".
Đối với chủ đề này, ông Lê Như Tiến - Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII bày tỏ: "Luật báo chí cũng như Luật xuất bản đã hậu kiểm, báo chí không phải là kiểm duyệt từng bài trước khi đăng mà sau khi có vấn đề gì rồi chúng ta mới xử lý và Luật xuất bản cũng tương tự như thế. Tôi thấy để cởi mở cho điện ảnh cũng nên có hậu kiểm".
Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến lo lắng về nguy cơ các sản phẩm độc hại bị bỏ lọt, chẳng hạn như một số bộ phim trên mạng thời gian qua có nội dung xuyên tạc lịch sử, sai lệch chủ quyền Việt Nam hay trái với thuần phong mỹ tục.... Để khắc phục, theo các chuyên gia, cần phải xây dựng bộ tiêu chí đánh giá phim rõ ràng dễ hiểu, chẳng hạn thế nào là bạo lực, thế nào là trái thuần phong mỹ tục.
Bà Ngô Lan Phương - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển Điện ảnh Việt Nam - cho rằng bộ tiêu chí phải rõ ràng để không có những hiểu sai, suy diễn hay hiểu lầm. Không chỉ vậy, tăng chế tài xử phạt đủ mạnh cũng là một giải pháp được cho là cần thiết để hạn chế sai phạm.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ để rà soát tự động các sai phạm về hình ảnh, âm thanh được nhấn mạnh như một giải pháp chiến lược lâu dài, bởi số lượng phim trên mạng dự báo sẽ bùng nổ trong thời gian tới.
Kỳ vọng Luật giúp phát triển tương lai điện ảnh Việt Nam
Điện ảnh Việt Nam đã khẳng định được một vị trí quan trọng trong lòng giới hâm mộ môn nghệ thuật thứ 7. Việc làm thế nào để những bộ phim Việt nói riêng, nền điện ảnh Việt Nam nói chung được phát triển hơn nữa, trở thành một nền công nghiệp văn hóa, có đóng góp đáng kể cho kinh tế đất nước là những kỳ vọng được đặt ra đối với dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Nói về điều này, TS. Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định còn nhiều điều chưa rõ trong các chính sách cho ngành điện ảnh: "Về phim trường, về nhân lực, hiện nay tôi thấy chưa rõ nét; ưu đãi thuế, ưu đãi về đất đai như thế nào; cơ chế Nhà nước ưu đãi đối với những cơ sở tham gia vào hệ sinh thái điện ảnh ra sao, hay một điều rất quan trọng của ngành điện ảnh là cơ chế huy động vốn bởi vì một bộ phim có thể mang lại lợi nhuận rất cao nhưng rủi ro rất lớn, và hiện nay cơ chế để thế chấp một bộ phim tại ngân hàng thế nào chưa rõ".
Ông Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội - bày tỏ quan điểm: "Nhà nước cũng cần phải ưu đãi có những chính sách khuyến khích để họ đầu tư, xây dựng được nhiều hơn nữa các rạp chiếu phim, hay có những chính sách về miễn giảm thuế để các doanh nghiệp, các cá nhân họ tham gia vào thị trường này, tạo điều kiện để cho các nhà làm phim, những tổ chức các doanh nghiệp có liên quan xây dựng phim trường chẳng hạn ở trong nước".
"Phải có những khuyến khích để điện ảnh Việt Nam chúng ta thực sự phát triển một cách có chất lượng. Chúng ta có được bộ phim hay thì mới cạnh tranh được ở bất kỳ nền tảng nào, từ rạp cho đến trên mạng, dù trên nền tảng nào thì cuối cùng vẫn phải đi đến mục tiêu một bộ phim có được đón nhận hay không, có chất lượng tốt không và có thể sánh được với điện ảnh của khu vực và thế giới hay không. Đó là điều quyết định", ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - chia sẻ thêm.
Còn nhiều điều trong dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) vẫn còn đang gây tranh luận. Tinh thần là hướng đến một luật chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn cũng như tạo điều kiện cởi mở, thuận lợi để phát huy giá trị kinh tế của ngành công nghiệp văn hóa được kỳ vọng trở thành ngành kinh tế sáng tạo mũi nhọn, góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia và sức mạnh mềm của Việt Nam ra thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!