Kể từ Đề cương văn hoá ra đời năm 1943 dưới ngọn cờ của Đảng, người dân Việt Nam kế thừa, phát triển và phát huy những truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, không ngừng sáng tạo những giá trị văn hoá mới thấm đẫm tinh thần yêu nước và lý tưởng xã hội chủ nghĩa phù hợp với đất nước và tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, đưa đất nước vững bước trong xu thế phát triển của nhân loại tiến bộ. Đặc biệt, hiện nay sau hơn ba thập kỷ đổi mới toàn diện, đồng bộ, đất nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. rước yêu cầu đó đòi hỏi chúng ta tiếp tục hoạch định phương hướng vừa mang ý nghĩa chiến lược vừa có ý nghĩa cấp bách nhằm xây dựng nền văn hoá Việt Nam ngang tầm công cuộc phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Chính vì vậy, trong báo cáo chính trị Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh định hướng phát triển con người toàn diện và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là chủ đề mà chúng ta sẽ cùng trao đổi với các khách mời của Không gian văn hóa nghệ thuật tuần này. Chương trình có sự tham gia của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương; Nhà báo Hồ Quang Lợi – Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định vai trò, ý nghĩa đặc biệt của văn hóa là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, nhưng điểm rất mới là nhấn mạnh yếu tố con người là trung tâm, là mục tiêu, là động lực quan trọng nhất để phát triển đất nước. Trong đó, khát vọng phát triển đất nước là động lực bao trùm nhất.
Một điểm mới nữa trong văn kiện này là lần đầu tiên xuất hiện thuật ngữ "sức mạnh mềm", "phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam". Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định, các giá trị, bản sắc văn hóa Việt Nam là động lực to lớn phát triển đất nước.
Bên cạnh đó, vấn đề hệ giá trị đã được đặt ra từ Đại hội Đảng lần thứ VIII cách đây hơn 20 năm, đến Đại hội XIII vẫn được tiếp nối, hoàn thiện và và nâng lên một tầm mới là triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam, hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.
Ngày 24/11, Hội nghị Văn hoá toàn quốc sẽ được tổ chức, sau 75 năm kể từ khi Hội nghị Văn hoá toàn quốc được diễn ra năm 1946. Các khách mời của Không gian văn hóa nghệ thuật đều chia sẻ nhiều kỳ vọng từ sự kiện quan trọng này.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương
Nhà báo Hồ Quang Lợi – Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam
"Điều kỳ vọng lớn nhất của tôi tại Hội nghị là quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối tư tưởng của Đảng ta về văn hóa, làm sao để văn hóa thực sự được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Điều thứ 2 là cùng với hệ thống Nghị quyết, Chỉ thị và kết luận của Đảng về văn hóa, tôi mong Nhà nước thể chế hóa bằng các pháp luật chính sách và đặc biêt là nguồn lực. Điểm thứ 3 là chúng ta cần tạo dựng đội ngũ cán bộ làm văn hóa vừa đức vừa có tài, có kinh nghiệm. Điểm cuối là chúng ta có đầu tư cho văn hóa và con người một cách thỏa đáng. Để sự phát triển của đất nước bền vững, từ đó chúng ta có tâm thế, chương trình hành động đầy đủ và bản lĩnh hướng về phía trước", PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nói.
"Hội nghị Văn hóa toàn quốc như một động lực phát triển của cả đất nước không riêng gì văn hóa. Tôi tin sau Hội nghị này sẽ có sự chuyển động mạnh mẽ trong đời sống văn hóa của đất nước nói riêng và đời sống xã hội nói chung. Trước hết, có chính sách, cơ chế ngày càng hoàn thiện hơn, phù hợp để phát huy tiềm năng của văn hóa Việt Nam. Cùng với đó, những chính sách sẽ được đưa vào thực tế. Hội nghị văn hóa toàn quốc sẽ đem đến sức mạnh để đất nước phát triển, xã hội hạnh phúc. Việt Nam mạnh về kinh tế, đẹp về văn hóa", nhà báo Hồ Quang Lợi bổ sung thêm.
Sau 75 năm kể từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc đầu tiên, Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 được tổ chức sẽ mở ra bước ngoặt mới trong vấn đề chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước. Một điều chắc chắn rằng trong Hội nghị quan trọng này, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, sự đồng tâm hiệp lực của toàn thể nhân dân, của đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ, những người làm công tác văn hóa nước nhà sẽ có thêm động lực mới mạnh mẽ hơn để tham gia vào sự nghiệp phát triển văn hóa nước nhà. Triển khai thực hiện nghiêm túc và đồng bộ, toàn diện những quan điểm chỉ đạo, những nhiệm vụ và giải pháp mà Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, của tất cả các cấp các ngành để chúng ta biến khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng thành hiện thực.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!