Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc đã nhận được sự chú ý của đông đảo khán giả trên toàn thế giới. Cùng với việc đẩy mạnh mức độ phổ biến ở thị trường quốc tế, làng giải trí Hàn Quốc đã có những thay đổi vô cùng lớn trong năm 2024, hứa hẹn một bước tiến mới chưa từng có trước đây.
Xu hướng thành lập công ty riêng trong lúc hoạt động nhóm của K-Pop
Khi hợp đồng độc quyền tiêu chuẩn kéo dài 7 năm kết thúc, các thành viên trong các nhóm nhạc thần tượng thường phải đứng giữa quyết định tái ký hợp đồng với công ty quản lý hoặc chuyển sang một công ty mới. Tuy nhiên, kể từ thế hệ thần tượng thứ ba, K-Pop đã có một xu hướng mới, đó chính là thành lập công ty riêng.
Ví dụ điển hình nhất là Jennie của BLACKPINK. Sau khi kết thúc hợp đồng độc quyền với YG Entertainment vào năm ngoái, cả bốn thành viên đều quyết định chỉ tái ký hợp đồng nhóm thay vì tiếp tục gia hạn cả hợp đồng cá nhân như trước. Với Jennie, nữ thần tượng tuyên bố thành lập công ty quản lý riêng mang tên ODD ATELIER.
Cũng giống như Jennie, một thành viên khác của BLACKPINK là Jisoo cũng ẩn ý sẽ hợp tác cùng anh trai cho các hoạt động cá nhân sắp tới. Trong đó, anh trai của Jisoo đăng tải thông báo tuyển dụng trên các nền tảng với hình ảnh nổi bật của Jisoo, gợi ý một bước đột phá mới trong ngành giải trí của cả hai. Phần mô tả của công ty này ghi rõ mong muốn "mở rộng nhanh chóng trên toàn cầu". Sự hợp tác giữa hai anh em được cho là nhằm thúc đẩy sự nghiệp của nghệ sĩ, đồng thời tăng cường sự gắn kết với những người hâm mộ.
Hai ví dụ này phản ánh một xu hướng mới khi mà các ca sĩ thần tượng chủ động rời khỏi công ty quản lý ban đầu, mạo hiểm thành lập công ty riêng. Động thái này là bước đi mạnh mẽ cho thấy các ngôi sao mong muốn được độc lập trong ngành giải trí và có quyền kiểm soát nghề nghiệp nhiều hơn.
Thực tế, việc lập công ty riêng có thể mang lại nhiều lợi ích cho nghệ sĩ, bao gồm mức độ kiểm soát và sự tự do trong ngành giải trí. Mặc dù các công ty lớn có thể giới thiệu nhiều khía cạnh khác nhau nhưng những công ty riêng của thần tượng lại có thể cho phép nghệ sĩ ưu tiên tầm nhìn sáng tạo và sở thích của họ. Về mặt tài chính, công ty một thành viên cũng sẽ có những cơ cấu phân chia lợi nhuận thuận lợi hơn.
Cả bốn thành viên BLACKPINK đều không tái ký hợp đồng cá nhân với YG Entertainment. (Ảnh: YG Entertainment)
Điểm đáng chú ý ở đây là dù thành lập công ty riêng nhưng những nghệ sĩ này vẫn sẽ vẫn tiếp tục các hoạt động cùng nhóm nhạc của mình. Đây là điểm mới cho thấy sự thay đổi và cởi mở của K-Pop so với những thế hệ đầu tiên. Trước đây, nếu các thành viên trong nhóm nhạc không gia hạn hợp đồng và chuyển sang công ty khác, nhóm có thể tan rã hoặc thành viên đó rời nhóm. Khi mối quan hệ của họ thay đổi, việc nhóm hội ngộ cũng là điều không hề dễ dàng.
Nhìn chung, qua nhiều thế hệ, nhận thức về thần tượng cũng thay đổi và đây là một phần nguyên nhân dẫn tới ngày càng nhiều ngôi sao muốn theo đuổi sự nghiệp cá nhân một cách tích cực và tìm kiếm công ty mới trong khi vẫn duy trì hoạt động nhóm.
K-Pop đẩy mạnh đa sắc tộc
Khi nhắc tới K-Pop, người ta thường nghĩ tới một ca khúc chủ yếu được hát bằng tiếng Hàn bởi những nghệ sĩ được đào tạo bởi các hãng âm nhạc Hàn Quốc. Từ cuối những năm 1990, K-Pop đã có nhiều ca sĩ với nhiều quốc tịch khác nhau trong các nhóm nhạc. Tuy nhiên, đa phần những thành viên nước ngoài là người châu Á, đến từ Trung Quốc (như cựu thành viên Han Geng của Super Junior) và Nhật Bản. Ngoài ra, số lượng những thành viên ngoại quốc trong nhóm nhạc K-Pop thường cũng rất hạn chế.
Mọi chuyện hiện đã thay đổi khi các công ty giải trí K-Pop để mắt tới thị trường quốc tế nhiều hơn. Họ tuyển dụng nhiều tài năng nước ngoài hơn với niềm tin rằng họ có thể thu hút khán giả Hàn Quốc bằng cách tương tác chặt chẽ hơn.
Một trong những trường hợp đáng chú ý là nhóm nhạc nữ BLACKSWAN bao gồm Fatou người Senegal-Bỉ, Gabi người Đức gốc Brazil, NVee người Mỹ và Sriya người Ấn Độ. Nhóm có các thành viên người Hàn khi ra mắt vào năm 2020 nhưng cuối cùng họ đều rời đi. Ngoài ra còn có NiziU, HORI7ON không có bất kỳ thành viên người Hàn Quốc nào nhưng vẫn được coi là nhóm nhạc K-Pop.
BLACKSWAN gây xôn xao khi là nhóm nhạc K-Pop nhưng không có bất kỳ thành viên người Hàn Quốc nào. (Ảnh: DR Music)
Một số nhóm tuy có thành viên Hàn Quốc những cũng không chiếm đa số như trước, chẳng hạn như KATSEYE, NewJeans.
Sự xuất hiện của các nhóm nhạc toàn cầu hoá hiện nay là minh chứng rõ ràng cho sự quyết tâm của K-Pop trong việc đạt được sức hút trong ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu. Tuy nhiên, vấn đề lớn đáng lo ngại và vẫn gây tranh cãi hiện nay chính là liệu K-Pop có nên loại bỏ "yếu tố K" - yếu tố Hàn Quốc - để vươn ra thế giới hay không.
Một sự thật trái ngược là mặc dù K-Pop gây được tiếng vang trong lòng người nghe quốc tế nhưng những ca khúc có lời bài hát bằng tiếng Hàn lại ít có sức ảnh hưởng hơn trên các BXH âm nhạc. Thậm chí, các ngôi sao lớn của K-Pop như Jungkook - thành viên BTS - và Jennie của BLACKPINK cũng đã phát hành toàn bộ các bài hát solo của họ bằng tiếng Anh. Một ví dụ khác là bản hit toàn cầu Cupid của FIFTY FIFTY cũng nổi tiếng nhờ phiên bản tiếng Anh.
Nhà phê bình âm nhạc Kim Sang Hwa cho rằng cách làm này có thể sẽ không dài lâu. Thị trường âm nhạc toàn cầu đang chứng kiến sự trỗi dậy của âm nhạc mang đặc trưng khu vực rõ rệt. Ví dụ ca khúc See Tình của Việt Nam đã trở nên nổi tiếng nhờ giai điệu hấp dẫn, các nghệ sĩ như Bad Bunny cũng thống trị BXH Billboard với các bài hát tiếng Tây Ban Nha. Như vậy, tôi nghi ngờ hướng đi của K-Pop hiện nay".
Hàn Quốc ra mắt visa cho người hâm mộ
Với việc nền âm nhạc và điện ảnh Hàn Quốc ngày càng phổ biến trên toàn thế giới, chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra một quyết định vô cùng độc đáo và sáng tạo nhằm thu hút thêm lượng khách quốc tế, đó chính là ra mắt visa đặc biệt dành riêng cho người hâm mộ. Điều này giúp cung cấp trải nghiệm hoàn toàn mới cho những người yêu âm nhạc và điện ảnh từ xứ sở kimchi.
Loại visa này được thiết kế riêng cho những người hâm mộ cuồng nhiệt và muốn tìm hiểu sâu hơn về ngành giải trí đang phát triển mạnh mẽ của đất nước này. Đây cũng là một phần trong kế hoạch tổ chức "Sự kiện văn hóa K" vào năm 2024 nhằm giới thiệu âm nhạc, ẩm thực và vẻ đẹp của Hàn Quốc ra toàn cầu.
Việc ra mắt những thị thực mới và cải tiến cơ sở hạ tầng du lịch cho thấy Hàn Quốc quyết tâm đạt được mục tiêu thu hút 20 triệu khách du lịch trong tương lai gần, mang tới những trải nghiệm phong phú về âm nhạc, ẩm thực và vô số những khoảnh khắc khó quên.
Ngành sản xuất nội dung được đầu tư lớn
Theo báo cáo của Cơ quan Nội dung Sáng tạo Hàn Quốc, doanh thu của ngành sản xuất nội dung trong nửa đầu năm 2023 là 52,8 tỷ USD, tăng 2,5% so với cùng kì năm trước. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho thấy giải trí Hàn Quốc đang mở rộng và thu hút khán giả trên toàn cầu nhiều hơn.
"Ngành công nghiệp nội dung đã trở thành ngành xuất khẩu cốt lõi đạt mức tăng trưởng cao. Chính phủ sẽ hỗ trợ để đưa Hàn Quốc trở thành một trong bốn quốc gia xuất khẩu nội dung hàng đầu thế giới", Bộ trưởng Bộ Văn hóa Hàn Quốc Yu In Chon cho biết.
Các ngành trọng điểm được lựa chọn để hỗ trợ bao gồm: trò chơi, điện ảnh, phim hoạt hình, truyện tranh và ngành công nghiệp hoạt hình. Trong đó, ngành công nghiệp trò chơi sẽ nhận được 50,9 triệu USD để sản xuất và xuất khẩu trò chơi ra thị trường quốc tế. Ngoài ra, một phần số tiền này cũng sẽ được dùng để đào tạo đội ngũ game thủ tài năng. Tiếp theo, ngành công nghiệp điện ảnh sẽ được nhận 55,3 triệu USD, ngành phim hoạt hình và truyện tranh nhận được 18,7 triệu USD. Cuối cùng, lĩnh vực hoạt hình nhận được 33,3 triệu USD.
Để hỗ trợ việc xuất khẩu nội dung, Bộ Văn hoá Hàn Quốc cũng sẽ thành lập thêm các trung tâm kinh doanh ở nước ngoài, dự kiến sẽ tăng từ 15 lên 25 trung tâm trong năm nay. Chưa dừng lại ở đó, Hàn Quốc cũng có kế hoạch mở một văn phòng mới tại Tokyo (Nhật Bản), chuyên hỗ trợ các công ty sản xuất nội dung trong nước.
18,8 triệu USD sẽ dành để hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp và tổ chức các chương trình hoạt động quảng bá nhằm nâng cao độ nhận diện cho các công ty mới tham gia vào thị trường nước ngoài. Ngoài ra, chính phủ Hàn Quốc dự định đầu tư thêm 6,8 triệu USD vào việc sản xuất các nội dung liên quan đến AI cũng như đào tạo 250 chuyên gia trong lĩnh vực này.
Vụ việc Lee Sun Kyun và mối lo ngại về quyền riêng tư trong quá trình điều tra
Lee Sun Kyun được phát hiện qua đời vào sáng ngày 27/12 trong một chiếc ô tô ở bãi đậu xe công cộng ở quận Seongbuk, Seoul. Cảnh sát tại hiện trường báo cáo có dấu hiệu của tự sát. Cái chết của ngôi sao nổi tiếng Hàn Quốc đã đặt ra câu hỏi về cách công khai các cuộc điều tra của cảnh sát về việc anh bị cáo buộc sử dụng ma túy.
Cụ thể, trước khi qua đời, Lee Sun Kyun đã bị cáo buộc nghi ngờ sử dụng ma tuý. Anh trải qua ba đợt thẩm vấn từ tháng 10 và những tình tiết liên quan trong quá trình này đều được đăng tải trên truyền thông. Do đó, các chuyên gia đang đặt ra câu hỏi về việc xử lý thông tin trong quá trình điều tra, bày tỏ lo ngại về việc các chi tiết riêng tư bị lộ quá mức, điều này có thể gây thêm áp lực không đáng có cho Lee Sun Kyun.
Lee Soo Jung, giáo sư tâm lý pháp y tại Đại học Kyonggi, đã nhấn mạnh tác động của việc truyền thông đưa tin quá mức đối với quá trình điều tra:"Mặc dù cáo buộc là sử dụng ma túy, nhưng những thông tin khác như cuộc trò chuyện riêng tư giữa Lee Sun Kyun và nữ quản lý đã bị giới truyền thông tiết lộ trước công chúng".
Trong ba lần xuất hiện với trát hầu tòa, có thông tin tiết lộ rằng ngôi sao Ký sinh trùng đã chính thức yêu cầu thẩm vấn kín khi nhận được trát hầu tòa thứ ba. Tuy nhiên, cảnh sát đã từ chối yêu cầu.
Không chỉ các chuyên gia lo lắng, hàng loạt nghệ sĩ Hàn Quốc bao gồm đạo diễn Bong Joon Ho, đạo diễn Lee Won Tae, diễn viên Choi Deok Moon và ca sĩ Yoon Jong Shin cũng đều phẫn nọ trước cái chết của Lee Sun Kyun. Họ mong muốn sớm có những cải cách quan trọng liên quan đến ngành văn hoá và nghệ thuật nhằm ngăn chặn những thảm kịch tương tự như của Lee Sun Kyun có thể xảy ra trong tương lai.
Yêu cầu của các nghệ sĩ bao gồm một cuộc điều tra toàn diện của chính quyền nhằm khám phá sự thật xung quanh cái chết của Lee Sun Kyun. Ngoài ra, họ cũng kêu gọi các cơ quan truyền thông tham gia vào việc xem xét chi tiết cách thức đưa tin, loại bỏ những bài báo không phục vụ mục đích báo chí "có trách nhiệm" và đánh giá lại các luật hiện hành để bảo vệ nhân quyền của nghệ sĩ văn hoá.
Hiện Đơn vị điều tra chống tham nhũng và tội phạm kinh tế của Cơ quan cảnh sát phía Nam tỉnh Kyunggi (Hàn Quốc) tuyên bố sẽ bắt đầu điều tra vụ án về Lee Sun Kyun nhằm giải quyết những lo ngại tiềm ẩn về thành kiến của công chúng, đồng thời đảm bảo sự công bằng trong việc điều tra những thông tin rò rỉ liên quan tới vụ án của Lee Sun Kyun.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!