Chào mừng kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tiến tới kỷ niệm 75 năm Ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, 62 năm thành lập quận Ba Đình, 62 năm Ngày thành lập Đảng bộ quận, quận Ba Đình trang trọng tổ chức Lễ hội Kỷ niệm ngày sinh Đức thánh Huyền Thiên Trấn Vũ tại Di tích Quốc gia đặc biệt - Thăng Long tứ trấn - đền Quán Thánh.
Phát biểu khai mạc lễ hội, ông Tạ Nam Chiến - Chủ tịch UBND quận Ba Đình - nhấn mạnh: “Trong những năm qua, quận Ba Đình luôn thực hiện tốt công tác quản lý và bảo vệ an toàn các hiện vật, cổ vật, gìn giữ khuôn viên, cảnh quan di tích cổ kính, trang nghiêm, xứng đáng là danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội.
Để bảo tồn, phát huy và lan tỏa giá trị tốt đẹp của Di tích Quốc gia đặc biệt đền Quán Thánh, quận Ba Đình sẽ tiếp tục xây dựng các đề án, kế hoạch, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể, đặc biệt là việc khôi phục lễ hội truyền thống. Thực hiện đầu tư, tu bổ, tôn tạo di tích. Đồng thời rà soát, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí. Đề xuất, báo cáo lên UBND Thành phố công nhận đền Quán Thánh là điểm du lịch trong thời gian tới”.
Ông Tạ Nam Chiến (Chủ tịch UBND quận Ba Đình) phát biểu khai mạc lễ hội.
Đền Quán Thánh - trấn Bắc là công trình kiến trúc nghệ thuật nổi tiếng, gắn liền với hình ảnh của kinh thành Thăng Long. Theo sử liệu, ngôi đền được xây dựng vào những năm đầu vua Lý Thái Tổ rời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, trên gò Hồi Long phía Đông Bắc của Hồ Tây. Năm 1823, vua Minh Mạng đổi tên là Đền Trấn Vũ Quán.
Đến đời vua Thiệu Trị (năm 1982), đổi tên thành Đền Quán Thánh như hiện nay. Vua Minh Mạng khi ra tuần thú Bắc Thành, cho đổi tên đề thành Chân Vũ Quán, ba chữ Hán này được tạc trên cổng tam quan. Đền được công nhận Di tích Lịch sử cấp Quốc gia năm 1962. Sau 60 năm, ngày 18/01/2022, đền được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.
Đền Quán Thánh hiện lưu giữ 124 di vật, cổ vật với nhiều chủng loại, chất liệu ở các giai đoạn lịch sử khác nhau. Giá trị nhất là pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ, 7 tấm bia đá và 8 đạo sắc phong. Trong đó, sắc phong có niên đại sớm nhất là năm 1770.
Bức tượng Huyền Thiên Trấn Vũ bên trong đền Quán Thánh. Tương truyền, bức tượng được đúc từ đồng đen.
Truyền thuyết xưa kể rằng, Huyền Thiên Trấn Vũ là thần cai quản phương Bắc, nhiều lần hiển linh giúp dân trừ tà ma, yêu quái. Khi đê sông Nhị Hà bị vỡ, vua lập đàn cầu đạo. Đức Huyền Thiên giáng trần giúp vua.
Sau cơn mưa to gió lớn, trời quang mây đãng, vua Thánh Tông sai lập đền thờ ở chỗ thần đã hiển linh để hằng năm cúng tế. Đến thời nhà Lê, các vua cũng thường đến đây cầu mưa mỗi khi có hạn hán. Trải qua các triều đại, Đức thánh Huyền Thiên Trấn Vũ đã được các triều vua ban sắc phong Thần. Hằng năm, cứ đến ngày 3/3 và 9/9 âm lịch, nhân dân tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công lao của Đức Huyền Thiên Trấn Vũ.
Một số hình ảnh tại lễ hội:
Kiệu rước được đặt bên ngoài cửa đền.
Dâng lễ vật vào bên trong đền.
Các gian thờ với rất nhiều lễ vật được nhân dân dâng lễ. Trong đó có 9 mâm xôi gà (lễ mặn) vừa để dâng lên Đức thánh, vừa để dự thi bày mâm lễ đẹp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!