"Loạn" clip nhảm trên MXH: Chỉ cơ quan quản lý vào cuộc là... không đủ

P.V-Thứ tư, ngày 14/10/2020 15:49 GMT+7

Hưng Vlog trong video trộm tiền heo đất.

VTV.vn - Những video nhảm nhí, phản cảm đang ngày càng tràn lan trên mạng xã hội. Việc xử lý những người tạo ra những video nhảm nhí ấy như thế nào đang là vấn đề được quan tâm.

Mỗi ngày, mạng xã hội xuất hiện rất nhiều các video mang nội dung xấu, phản cảm nhưng điều đáng nói là những video này đã và vẫn đang nhận được rất nhiều lượt người xem. Việc xem rồi chia sẻ từ người sử dụng đã khiến mức độ phát tán của những video xấu được lan đi với tốc độ chóng mặt trên không gian mạng. Trước thực trạng này, một câu hỏi được đặt ra là cơ quan chức năng xử lý thế nào với những video mang nội dung không tốt đẹp ấy? Phóng viên Chuyển động 24h đã có cuộc phỏng vấn với những người đại diện cơ quan chức năng về vấn đề này.

Trước câu hỏi Thủ tướng có công văn yêu cầu Bộ Thông tin truyền thông phối hợp với các cơ quan chuyên môn xử lý video nhảm nhí trên mạng xã hội, vậy với công văn này, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã có những hành động gì? - Bà Hoàng Thị Anh Thư - Phó Trưởng phòng Thanh tra pháp chế, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - cho biết: "Chúng tôi cũng mới nhận được công văn của Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ Thông tin và truyền thông để xử lý những video có tính chất phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục. Sau khi nhận được công văn, lãnh đạo Bộ và lãnh đạo Cục cũng giao cho chúng tôi có nhiệm vụ tiếp tục rà soát những trang mạng có nội dung phản cảm, để lại những ấn tượng xấu ở trong cộng đồng mạng, đặc biệt là lứa tuổi trẻ đang bị tác động nhiều bởi những video này".

Loạn clip nhảm trên MXH: Chỉ cơ quan quản lý vào cuộc là... không đủ - Ảnh 1.

Bà Hoàng Thị Anh Thư - Phó Trưởng phòng Thanh tra pháp chế, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử.

Tuy nhiên, theo bà Anh Thư, việc xử lý này không dễ và đang gặp phải những khó khăn nhất định.

"Việc tìm đối tượng làm những video đó là khó khăn lớn nhất của chúng tôi" - bà Anh Thư nói - "Trong thời gian qua, một số đối tượng thì chúng tôi có thể có được thông tin ngay khi xem video hoặc tự phát hiện, biết được địa chỉ để xử lý. Nhưng cũng có một số trường hợp chúng ta khó tìm được những kênh không để lại nội dung thông tin, ví dụ họ không trong giới truyền thông, không phải KOL hay không phải những người có ảnh hưởng trong xã hội mà họ chỉ là những người mới dựng lên trang mạng xã hội và những video đó nhằm thu hút quảng cáo thì những trường hợp đó chúng tôi cũng khó tìm…". 

"Và trong trường hợp đó, chúng tôi sẽ phối hợp với một số cơ quan chức năng" - bà Anh Thư nói.

Cũng theo chia sẻ của bà Anh Thư, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử vẫn thường xuyên rà soát để tìm ra những kênh thông tin chứa nội dung không tốt và bà tin rằng: "Nếu tất cả chúng ta đồng lòng cùng vào cuộc từ trung ương đến địa phương thì những việc như thế sẽ giảm".

Loạn clip nhảm trên MXH: Chỉ cơ quan quản lý vào cuộc là... không đủ - Ảnh 2.

Trung tâm Điều hành an toàn - An ninh mạng, được Sở Thông tin & Truyền thông tỉnh Bắc Giang có chức năng kiểm soát thông tin xấu độc trên MXH.

Trong khi đó, theo Đại tá Nguyễn Hồng Quân - Trưởng phòng An ninh thông tin mạng, Cục An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao - thì việc quản lý những video nhảm nhí không hề đơn giản và những người có trách nhiệm đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.

"Không gian mạng là không gian vô cùng rộng lớn và ai cũng có thể tham gia được" - Đại tá Hồng Quân nói - "Bây giờ bạn thấy đứa trẻ 4-5 tuổi nó cũng đã tham gia không gian mạng rồi. Nhiều người có thể tham gia và mỗi người tham gia với ý thức khác nhau. Có những người tham gia với ý thức rất xấu và họ sử dụng không gian mạng để thực hiện những ý đồ xấu của họ".

Loạn clip nhảm trên MXH: Chỉ cơ quan quản lý vào cuộc là... không đủ - Ảnh 3.

Đại tá Nguyễn Hồng Quân.

"Có mấy vấn đề khó khăn ở đây: Thứ nhất là lượng người dùng khổng lồ. Như bạn biết trên FB có hơn 60 triệu tài khoản số, Youtube cũng là một con số khủng khiếp" - Đại tá Hồng Quân nói - "Khó khăn thứ 2 là việc xác thực thông tin người dùng". 

"Theo điều 26 của luật an ninh mạng mới được ban hành thì các nhà cung cấp dịch vụ trong cũng như ngoài nước, khi cung cấp dịch vụ thì một trong những trách nhiệm của họ là phải xác thực thông tin người dùng tài khoản số và cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách của bộ Công An khi có yêu cầu" - Đại tá Hồng Quân nói tiếp - "Tuy nhiên, việc chấp hành việc này đang có những vướng mắc nhất định. Đây là cái rất khó khăn vì rất nhiều đối tượng họ chỉ cần khoác vào một cái mặt nạ và họ có thể làm bất cứ việc gì và điều đó cực kỳ nguy hiểm. Trong thời gian tới, khi các nghị định hướng dẫn thi hành luật an ninh mạng được ban hành chính thức thì chúng tôi sẽ kiên quyết và có những biện pháp cần thiết nhất để những nhà cung cấp dịch vụ chấp hành".

"Việc nữa liên quan đến quy định của pháp luật, theo quy định của điều 101 nghị định 15 thì mức xử phạt từ 10-20 triệu cho những hành vi cung cấp thông tin chưa chính xác, lan tỏa những thông tin không phù hợp với pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, thu nhập đối tượng có được từ quảng cáo khi họ thực hiện những hành vi như vậy nó lớn hơn rất nhiều. Do vậy, sự tương xứng giữa biện pháp xử lý và thu nhập bất chính họ có là chưa tương xứng". 

"Theo suy nghĩ của tôi, một mặt phát huy vai trò của pháp luật - nếu có dấu hiệu hình sự phải xử lý về mặt hình sự, không chỉ xử lý hành chính. Tuy nhiên, khía cạnh khác cũng rất quan trọng là thái độ của xã hội với những hành vi này. Nếu như xã hội không hưởng ứng, lên án thì những hành vi này sẽ không có đất để sống" - Đại tá Hồng Quân kết lại.

Để hiểu và nắm rõ hơn vấn đề này, bạn hãy đón xem chương trình Chuyển động 24h trưa mai (15/10) trên kênh VTV1!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước