Loạn livestream trên mạng xã hội: Khi chính công chúng hiếu kỳ tiếp tay cho các nội dung xấu độc

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 16/08/2023 13:04 GMT+7

VTV.vn - Ngoài chế tài quản lý pháp luật đối với người sử dụng tính năng livestream, điều cần thiết là nâng cao trách nhiệm của người dùng mạng xã hội.

Tường thuật một sự kiện, tổ chức bán hàng, trò chuyện trực tuyến bằng hình thức livestream… ngày càng phổ biến trên các mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Youtube. Tính năng truyền tải video trực tuyến theo thời gian thực có khả năng tác động, ảnh hưởng nhanh tới xã hội. Đa số sử dung chức năng này để bán hàng trực tuyến, giới thiệu, quảng bá.

Bên cạnh đó, xuất hiện những đối tượng sử dụng livestream để phát tán nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật. Do vậy, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, cần bổ sung quy định để quản lý tính năng livestream này.

Từ chối hoặc tạm ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông Internet đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ để livestream, đăng tải thông tin vi phạm pháp luật trên mạng. Đây là một trong những đề xuất mới của Bộ Thông tin và Truyền thông nhằm xử lý nhanh, khẩn cấp đối với những cá nhân vi phạm pháp luật trên môi trường mạng.

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cũng sẽ có trách nhiệm gỡ bỏ nội dung, dịch vụ, ứng dụng trên mạng vi phạm pháp luật, chậm nhất không quá 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông. Bên cạnh đó, các mạng xã hội trong nước và xuyên biên giới phải khóa tạm thời hoặc vĩnh viễn tài khoản, trang, nhóm cộng đồng, kênh có chứa nội dung vi phạm.

Lợi dụng sự ảnh hưởng và tốc độ lan truyền nhanh của không gian mạng với tính năng livestream, những năm gần đây mạng xã hội trở thành nơi phát tán nội dung phản cảm, xấu độc, thậm chí là vi phạm pháp luật. Những trường hợp như Nguyễn Phương Hằng, Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền… sau một thời gian đình đám trên mạng đều đã bị khởi tố hoặc xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, những vụ việc trên cũng chỉ là bề nổi của tảng băng chìm.

Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành quy tắc ứng xử trên mạng xã hội với những quy định khá rõ ràng, theo từng đối tượng. Trước đó, Luật An ninh mạng có hiệu lực cũng đã nghiêm cấm các hành vi sử dụng không gian mạng để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác. Tuy nhiên, sự phát triển khó kiểm soát của hình thức livestream đang gây ra những hậu quả khó lường. 

Hướng tới quản lý hiệu quả hoạt động này, cũng như trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72 của Chính phủ về quản lý, cung cấp sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất bổ sung quy định quản lý phát video trực tuyến. Theo đó, chỉ các mạng xã hội được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội mới được cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến, hoặc các hoạt động phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức, không bao gồm hoạt động thương mại điện tử. Các mạng xã hội có số lượng người truy cập thường xuyên thấp nếu có nhu cầu cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến thì thực hiện thủ tục cấp giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội.

Việc tăng cường kiểm soát, đặc biệt là động thái cứng rắn là tạm ngừng cung cấp dịch vụ Internet, được các chuyên gia đánh giá là giúp giảm thiểu phần nào nội dung xấu, độc trên không gian mạng. Song song với đó, các chuyên gia cũng đề xuất những biện pháp hiệu quả và triệt để hơn.

"Đối với những tài khoản mạng xã hội có ảnh hưởng quy mô lớn, việc định danh là cần thiết. Tuy nhiên, không cần phải xin phép livestream như quy định hiện tại, bởi việc xin phép tạo chi phí lớn cho doanh nghiệp, cũng như bản thân cơ quan quản lý Nhà nước bị ngập trong gánh nặng hồ sơ thủ tục xin phép. Do đó, nên ưu tiên cho cơ chế hậu kiểm, có kênh liên lạc thường xuyên giữa cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể là Bộ Thông tin và Truyền thông và các nền tảng mạng xã hội lớn để xử lý", ông Nguyễn Quang Đông – Viện Trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông chia sẻ.

Bên cạnh vấn đề phát video trực tuyến, Bộ Thông tin và Truyền thông bổ sung quy định phải xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội qua số điện thoại di động để đảm bảo hiệu quả quản lý, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm người dùng khi đăng tải nội dung thông tin trên mạng.

Một thực tế là chính công chúng, khán giả hiếu kỳ là những người tiếp tay cho các Streamer, Youtuber sản xuất, phát tán các nội dung không phù hợp, thậm chí là vi phạm pháp luật trên mạng xã hội. Bởi vậy, ngoài chế tài quản lý pháp luật đối với người sử dụng tính năng livestream, điều cần thiết là nâng cao trách nhiệm của người dùng mạng xã hội, không cổ súy, theo dõi các livestream, clip có nội dung xấu là một trong những biện pháp hiệu quả để dọn rác livestream trên mạng xã hội.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước