Về mặt đạo đức xã hội, không ai lại nói những lời tồi tệ như "béo thế, gầy như que tăm, xấu thế mà cũng chụp hình"... với người khác. Bởi hành vi mạt sát, miệt thị về ngoại hình có tính sát thương rất lớn đối với người nghe. Nhưng những bình luận như thế này đang diễn ra hàng ngày xung quanh chúng ta. Đó có thể là lời nói xấu sau lưng, nhưng nhiều khi nạn nhân bị bình phẩm cũng phải nghe trực tiếp.
Các nhà xã hội học và văn hóa học gọi tên đây là hành vi miệt thị ngoại hình. Nó có thể được nói ra theo thói quen, Nhưng cũng có thể là lời nói châm chọc ác ý, nhằm mục đích hạ nhục người khác. Miệt thị ngoại hình là biểu hiện của sự phân biệt đối xử và định kiến xã hội dựa trên bề ngoài của con người. Song, vì nó quá phổ biến trong văn hóa giao tiếp của nhiều người Việt, nên hiếm khi được nhìn nhận nghiêm túc. Hành vi này dễ được coi như câu đùa xã giao.
"Việc coi thường, chê bai, dè bỉu, gièm pha, nói xấu thể hiện sự không văn minh. Trước kia trong lớp học chúng ta nói – Con béo ra đây tao bảo, thằng lùn kia ơi – là bình thường, đó là vì chúng ta chưa tiếp cận đến với cách giải quyết, cách nhìn nhận văn mình. Vậy giờ chúng ta phải khác", NSƯT Xuân Bắc chia sẻ.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra Internet là nơi lý tưởng cho hành vi miệt thị ngoại hình, khi người ta thoải mái viết những điều mình muốn về người khác mà không cần lộ diện. Mạng xã hội cũng là nơi mọi người đều có thể đọc được bình luận của nhau, vì vậy, việc đám đông hùa theo những bình luận ác ý cũng dễ dàng hơn là khi nói chuyện mặt đối mặt. Một mảnh đất dễ dàng bộc phát sự ganh ghét, đố kị, tìm mọi cách để "dìm hàng nhau". Nguy hiểm hơn, vấn nạn này đã tác động tiêu cực đến tâm lý của cá nhân và toàn xã hội.
"Trong xã hội có nhiều bị miệt thị ngoại hình hoặc trong xã hội việc miệt thị ngoại hình trở thành thói quen, cách ứng xử thì nó ảnh hưởng đến toàn xã hội, tạo ra một xã hộ không chấp nhận sự đa dạng. Điều đó là nghiêm trọng nhất với một xã hội. Việc chấp nhận sự đa dạng về hình thể, tính cách, sở thích cho thấy đó là một xã hội khoan dung, văn mình và tạo điều kiện cho mỗi cá nhân đều có thể sống với cái mình có", bà Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội - cho hay.
Mỗi cá nhân là những cá thể riêng biệt với những tính cách và ngoại hình riêng biệt. Không có khuôn mẫu cho khái niệm đẹp - xấu về ngoại hình. Cũng không ai có quyền tự cho mình là chuẩn mực để phán xét người khác. Cần ngừng đặt ra những chuẩn mực vô lý về cái đẹp. Để trở nên xinh đẹp, không nhất thiết người ta phải có vòng eo con kiến và thon thả như người mẫu, mà những đặc điểm rất riêng ở mỗi người đã tạo nên vẻ đẹp cho chính họ.
Một tín hiệu tích cực là hiện nay, ngày càng có nhiều người nhận thức được tác hại của miệt thị ngoại hình. Tại Việt Nam, ngày càng nhiều người lên tiếng chống lại hành vi xấu xí này, xuất hiện các nhóm hỗ trợ nạn nhân bị miệt thị ngoại hình. Ngày càng nhiều người nổi tiếng lên án hành động này. Việt Nam cũng đưa ra chế tài xử lý các hành vi sỉ nhục người khác, với mức xử lý hành chính thấp nhất là 300.000 đồng. Trên thế giới, chưa có nhiều quy định hay luật lệ rõ ràng chống lại nạn miệt thị ngoại hình. Nhưng rất nhiều sự kiện đã được tổ chức, nhiều phong trào đã được thực hiện để hạn chế vấn nạn này.
Dù chưa nhiều nước có luật quy định rõ ràng về xử phạt hành vi miệt thị ngoại hình, nhưng nạn nhân của vấn nạn này được khuyến khích lên tiếng và thể hiện cảm xúc của bản thân thông qua nhiều hội nhóm, tổ chức, qua các đường dây nóng, với chuyên gia tư vấn. Điều quan trọng là mỗi người có thể yêu quý bản thân, cởi mở hơn với sự đa dạng về cái đẹp và tôn trọng sự khác biệt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!