Tổ chức trình diễn Lễ hội Púng Hiéng (Tết Hạ Niên) của người Dao Tiền
Lễ hội Púng Hiéng của người Dao tiền Mộc Châu là hoạt động nằm trong Nhiệm vụ 3, Dự án 6 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đây cũng là hoạt động thiết thực nhằm khơi dậy niềm tự hào về văn hoá của đồng bào các dân tộc, động viên, khuyến khích bà con tích cực giữ gìn, bảo tồn giá trị tốt đẹp của văn hoá truyền thống.
Để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, ngày 4/10 vừa qua tại xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đã tổ chức trình diễn Lễ hội Púng Hiéng (Tết Hạ Niên) của người Dao Tiền. Đồng thời, thông qua đó, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cũng như tuyên truyền giá trị về lịch sử, văn hóa truyền thống và những phong tục tập quán tốt đẹp.
Chương trình tổ chức với sự tham gia của hơn 50 nghệ nhân, thầy cúng, trưởng họ, hạt nhân văn nghệ quần chúng của bản Piềng Sàng, Suối Khem, xã Phiêng Luông tham gia trình diễn.
Ngày nay, người Dao tiền vẫn còn giữ được nhiều nét văn hóa mang đậm bản sắc của dân tộc mình, đặc biệt là Lễ hội Púng Hiéng
Đông đảo người dân tham dự Lễ hội Púng Hiéng
Lễ hội được phục dựng và tái hiện đầy đủ các trình tự nghi lễ theo truyền thống, trực tiếp tham gia nghi lễ là trưởng họ, thầy cúng và toàn thể đồng bào Dao tiền ở xã Phiêng Luông. Nghi lễ bao gồm: Lễ khai niên, lễ chào mừng các đấng siêu nhiên về dự hội, lễ cúng xuất binh (để xua đuổi mọi tà ma, quỷ dữ, quét sạch mọi điều xấu xa ra khỏi nhà, tống tiễn một năm cũ với những điều rủi ro, không may mắn), lễ cúng thu binh (đón những điều tốt đẹp theo năm mới vào nhà), nghi lễ tạ ơn, nghi lễ cầu mùa và lễ cúng thu niên kết thúc lễ hội. Sau khi các nghi thức trong lễ hội hoàn thành, đội văn nghệ bản cùng các đại biểu khách mời cùng nhau hoà vào điệu múa cùng tiếng chuông sôi động rộn ràng.
Bà Nguyễn Thị Hoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu trả lời phỏng vấn phóng viên VTV Times tại Lễ hội
Ở Sơn La, người Dao hiện chiếm 1,75% dân số của tỉnh, cư trú chủ yếu ở các huyện như Quỳnh Nhai, Bắc Yên, Phù Yên, Mộc Châu, Vân Hồ, với 3 ngành là: Dao Đỏ, Dao Tiền và Dao Quần Chẹt (trong đó chủ yếu là người Dao Tiền). Người Dao Tiền tập trung chủ yếu ở các xã thuộc các huyện là Mộc Châu,Vân Hồ và Phù Yên, đa số họ cư trú thành từng bản riêng với những đặc trưng văn hóa khác nhau.
Trao đổi với phóng viên VTV Times, bà Nguyễn Thị Hoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu cho biết thêm, người Dao Tiền là một trong những cộng đồng đã định cư lâu đời tại Mộc Châu. Cùng với các dân tộc anh em khác trong các bản, xã, huyện, người Dao Tiền có một nền văn hóa đặc sắc với những phong tục, tập quán độc đáo làm nên bản sắc văn hóa của địa phương. Trong đó, Lễ hội Púng Hiéng là một đặc trưng quan trọng. Những tập quán đó được hình thành, phát triển và là tổng hòa các mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và xã hội.
Lễ hội Púng Hiéng của người Dao Tiền không chỉ mang tính chất là lễ hội tín ngưỡng dân gian mà còn chứa đựng các thành tố văn hóa đặc trưng của một tộc người. Đồng thời còn hàm chứa nhiều giá trị mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Thầy cúng đang thực hiện các nghi lễ
Ngày nay, người Dao tiền vẫn còn giữ được nhiều nét văn hóa mang đậm bản sắc của dân tộc mình, đặc biệt là Lễ hội Púng Hiéng (Tết Hạ Niên) - một nghi lễ lớn của dòng họ, cũng được coi là lễ hội lớn nhất trong cộng đồng người Dao tiền ở huyện Mộc Châu. Lễ hội Púng Hiéng được một số dòng họ người Dao tiền duy trì theo hình thức truyền đời, tổ chức định kỳ 3-4 năm/lần, trong thời gian 4-6 ngày vào dịp Tết Nguyên đán.
Nguồn gốc của lễ hội bắt nguồn từ câu chuyện xưa kể lại rằng: Ngày xưa, tổ tiên của những dòng họ như họ Tặng, họ Bàn, họ Đặng ở Mộc Châu rất giàu có. Ngày tết, trưởng dòng họ thường tổ chức ăn tết thật lớn, mời tất cả họ hàng, làng xóm đến ăn, đến vui tết. Năm nào họ cũng có mùa màng bội thu, cuộc sống giàu có, sung túc nhưng họ vẫn sống rất hòa thuận và nhiệt tình giúp đỡ mọi người. Họ cho rằng, họ được giàu có như vậy là vì họ được thiên nhiên ưu đãi, được các vị thần phù hộ. Con cháu trong dòng họ sau này không ai được phép quên ơn của tổ tiên, thần linh. Nên cứ 2, 3 - 4 năm, trưởng của mỗi dòng họ đó phải tổ chức ăn "tết lớn" để tưởng nhớ, tạ ơn tổ tiên và các vị thần linh đồng thời cầu tổ tiên, các vị thần linh cho được mùa, được phúc, được lộc.
Vì vậy, huyện Mộc Châu đã tiến hành tổ chức lễ hội nhằm bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, khơi dậy niềm tự hào, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể; Phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của nhà nước, xã hội, cộng đồng để bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch của huyện...
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!