Từ bài thơ “Nguyên tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, rằm tháng Giêng hàng năm được chọn là Ngày thơ Việt Nam. Sau 20 năm tổ chức, Ngày thơ Việt Nam đã trở thành một lễ hội thi ca quen thuộc, được đông đảo công chúng yêu thơ đón đợi. Ngày thơ không chỉ lan toả tình yêu thơ ca mà còn để công chúng thêm yêu, thêm hiểu và tự hào về nền thi ca của dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho biết, chủ đề “Nhịp điệu mới” của ngày thơ nhằm thể hiện những ước vọng mới, khí thế và niềm tin mới, hướng tới một tương lai tràn đầy hy vọng về những điều tốt đẹp. Sau 3 năm gián đoạn vì dịch COVID-19, Ngày thơ 2023 với những đổi mới về địa điểm, hình thức và nội dung tổ chức đã mang đến cho công chúng những giá trị tinh thần ý nghĩa.
Nét mới mẻ, lôi cuốn của không gian Ngày thơ gồm toàn bộ khu vực sân trước cổng Đoan Môn của Hoàng thành. Công chúng có thể vừa dạo bước, vừa thưởng lãm 100 câu thơ hay của thi ca Việt Nam trên “Đường thơ”.
Bác Phạm Doãn Thắng (87 tuổi, quê ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng). Bác bắt xe khách lên Hà Nội trước 1 ngày, đêm ngủ ở vỉa hè đường Hoàng Diệu để chờ đến giờ Hoàng thành Thăng Long mở cửa. Bác mải miết chép từng dòng thơ hay dọc “Đường thơ”. Bác Thắng tự nhận mình là một người “yêu thơ, say thơ, chết vì thơ”.
Cuối đường thơ là các “Quán thơ”, nơi các nhà thơ, tao nhân mặc khách nhiều thế hệ có thể giao lưu, đọc thơ và trò chuyện về nền thi ca Việt Nam.
Song song với đường thơ là “Đường sách” với những gian hàng của các Nhà xuất bản, các Công ty Văn hoá, phát hành sách,...
Gian hàng của Nhà xuất bản trẻ với nhiều hoạt động như bói thơ, xem quẻ thơ đầu năm,...
1 góc không gian bày bán các tập thơ của các thi nhân nổi tiếng tại Nhà xuất bản Kim Đồng.
Khu vực “Đường sách” thu hút công chúng tới tham quan và mua các tác phẩm văn học, các tuyển tập thi ca cổ điển và đương đại.
Tại “Đường sách” còn có hoạt động xin chữ ông đồ đầu năm.
Ông đồ viết và tặng chữ “Phúc An” cho khách tham quan.
Không gian nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng phải kể đến “Nhà ký ức”, nơi trưng bày những hiện vật đặc biệt gắn liền với sự nghiệp sáng tác của các nhà thơ tên tuổi qua nhiều thời kỳ của văn học Việt Nam.
Đặc biệt, tại vị trí trung tâm, trước cửa Đoan Môn là sân khấu chính, được gọi là “Đàn thơ”, nơi diễn ra Đêm thơ Nguyên tiêu. Đêm thơ sẽ có 21 bài thơ và tác giả xuất hiện, tương đương với 21 lần Ngày thơ được tổ chức. Phần đọc thơ gồm 4 chương: Thơ mới; Thơ kháng chiến chống Pháp; Thơ kháng chiến chống Mỹ; Thơ thời kỳ đổi mới và thơ trẻ.
2 bên sân khấu là 2 bài thơ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt và “Nguyên tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là 2 bài thơ đã luôn vang lên suốt 20 năm qua trong những Ngày thơ Việt Nam.
Bên cạnh đó còn có nhiều hoạt động sôi nổi khác cũng được Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức như: Tọa đàm “Thơ hiện nay với hôm nay”; trình chiếu phim tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của các nhà thơ nổi tiếng đã góp phần xây dựng nên nền thi ca Việt Nam; trình chiếu các ca khúc được phổ nhạc từ những bài thơ;...
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!