Tối 1/9, nghệ sĩ Violin Anh Tú và ê kíp vừa ra mắt MV Giai điệu Tổ quốc - sáng tác của nhạc sĩ Trần Tiến được Lưu Hà An phối khí mới. Anh chia sẻ với phóng viên VTV về sản phẩm mới và tình yêu với cây đàn vỹ cầm suốt mấy chục năm qua.
"Vì tình yêu Tổ quốc"
Có nhiều người hát và làm MV ca khúc "Giai điệu Tổ quốc", sản phẩm của Nghệ sĩ Violin Anh Tú có gì đặc biệt?
Trong MV, Giai điệu Tổ quốc được hòa âm phối khí bởi Nhạc sĩ Lưu Hà An và phần biểu diễn đặc biệt của Nghệ sĩ Violin Anh Tú sẽ đem lại cảm xúc mới mẻ cho người thưởng thức.
Đặc biệt, đây là MV mapping oneshot đầu tiên tại Việt Nam - kết hợp cùng lúc các kỹ thuật hình ảnh phức tạp oneshot (1 cảnh quay liền, không ngắt) cho cùng lúc 3 sự diễn tấu trực tiếp: Violin, Mapping, và múa bóng trong cùng một sản phẩm...
Chúng tôi cũng quyết định đầu tư lớn cho MV về âm nhạc, hình ảnh và toàn bộ ê-kíp sản xuất với là đạo diễn hình ảnh Hoàng Công Cường, biên đạo múa NSƯT Phan Lương, Visual Art Vỹ Vlash, đạo diễn trường quay Mai Việt Nam, các thiết bị kỹ thuật tối tân của Thích Xuân Minh, Giám đốc Truyền thông Việt Dung, Giám đốc sản xuất và Giám sát Dự án Trần Hương Na…
Từ khi nào, anh ấp ủ ý tưởng thực hiện MV "Giai điệu Tổ quốc"?
Trong một show diễn phía công ty ThanhPro mời dịp đầu năm, tôi được yêu cầu đàn bản "Giai điệu Tổ quốc". Diễn xong, phía chị Hương Na mời chúng tôi hợp tác, chung tay làm MV. Vợ chồng chúng tôi cùng chị Hương Na - Giám đốc Sản xuất, Chỉ đạo và Giám sát của MV và 5 công ty khác cùng chung tay làm MV Giai điệu Tổ quốc.
Ê kip sản xuất MV Giai điệu Tổ quốc
Thực hiện trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hẳn anh và ê-kíp gặp không ít khó khăn?
Phải nói là khó khăn chồng chất, chúng tôi phải hoãn quay 2 lần vì ảnh hưởng của dịch COVID-19. Lần đầu tiên, tất cả ê-kíp dự định sẽ vào Quảng Trị, thực hiện quay oneshot cho Violin, Mapping và múa bóng trên dòng sông Thạch Hãn - nơi hơn 1.000 chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại trong trận chiến Thành cổ. Ngay trước ngày chuẩn bị lên đường, cả ê-kíp phải dừng lại do ảnh hưởng của dịch COVID-19 lần 1, phải cách ly toàn xã hội.
Lần 2, chúng tôi quyết định không đi xa mà quay tại Sân ga Hàng Cỏ Hà Nội, lấy bối cảnh toàn sân ga để trải mapping rộng. Khi mọi thứ đã được chuẩn bị hoàn tất, đúng trước ngày quay, đoàn lại phải dừng do dịch COVID-19 bùng phát trở lại, phải giãn cách xã hội lần 2.
Phải đến lần thứ 3 sau giãn cách, ê-kíp họp khẩn, tìm trường quay rộng nhất thành phố Hà Nội, trong 7 ngày dựng sân khấu, setup các kỹ thuật tối tân để quay hình.
Bởi kế hoạch thay đổi quá nhiều lần, tôi và bà xã - Việt Dung phải hủy lịch loạt show diễn và lịch dạy hàng trăm học sinh, để chuyển đổi các lượt lịch mới cùng ê-kíp.
Điều gì thôi thúc anh chị quyết tâm thực hiện một MV hoành tráng, công phu, tốn kém như vậy?
Vì một tình yêu quá lớn với Tổ quốc. Những ai biết tôi và Việt Dung đều hiểu, chúng tôi luôn yêu Tổ quốc mình vô điều kiện. Khó khăn đến mấy nhưng chúng tôi đều đã vượt qua.
Sản phẩm phi lợi nhuận, ê-kíp chúng tôi tự xây dựng và thực hiện mà không có bất cứ mạnh thường quân nào giúp đỡ. Thiệt hại kinh tế với con số không tưởng nhưng chúng tôi cảm thấy "thỏa lòng" khi có được một sản phẩm vô cùng ý nghĩa đúng dịp Quốc khánh 2/9.
Tình yêu với cây đàn ngày càng lớn
Nghệ sĩ Violin Anh Tú có thể chơi đa dạng các dòng nhạc như lãng mạn, trữ tình, pop, rock, semiclasic, classic, rock, cách mạng, rock giao hưởng… Vậy trong nghệ thuật, đâu là điều khiến anh trăn trở?
Điều tôi trăn trở nhất gói gọn trong chuyên môn, tôi luôn mong tiếng đàn của mình có thể giúp tất cả khán giả đều mỉm cười hạnh phúc, nghe xong là mọi người có thể buông sạch mọi buồn phiền.
Ngay từ khi còn bé xíu, mỗi khi cầm cây đàn, tôi đã xác định mục tiêu là phải làm thế nào để khán giả buồn nhất khi đến nghe tôi, sẽ nở nụ cười khi ra về. Và chặng đường 30 năm biểu diễn qua, tôi vẫn luôn lầm lũi, gắng hết sức đi trên con đường ấy để tới đích của cuộc đời nghệ thuật: Không còn khán giả nào của tôi phải buồn, phải khổ trong tâm tư.
"Tôi luôn mong tiếng đàn của mình có thể giúp tất cả khán giả đều mỉm cười hạnh phúc" - Nghệ sĩ Violin Anh Tú
Không phải nghệ sĩ nào cũng có thể "sống" được nhờ đam mê nghệ thuật, có những người phải làm kinh tế có tiền theo đuổi đam mê. Nghệ sĩ Anh Tú thì sao?
Đây cũng là câu hỏi được rất nhiều phóng viên truyền hình, nhà báo hỏi tôi trong nhiều năm qua. Và tôi vẫn giữ nguyên một câu trả lời, đó là nhờ sự yêu thương của hàng nghìn mạnh thường quân, hàng nghìn khán giả của tôi. Nhờ tất cả, mỗi show diễn của tôi đều bán hết sạch vé sau một vài ngày phát hành.
Bán vé show luôn là chuyện "đau đầu" của nhiều nghệ sĩ. Hơn nữa, Anh Tú là nghệ sĩ Violin, mà khán giả Việt không phải ai cũng say mê nhạc không lời. Để bán sạch vé sớm như vậy, hẳn anh phải có "bí quyết" gì chứ?
Không có bí quyết nào cả. Nếu có thì như tôi nói ở trên, bí quyết chính là nhờ hàng nghìn khán giả luôn yêu mến, ủng hộ tôi.
Đến giờ, tôi cũng không hiểu rõ, là do tiếng đàn của tôi đủ sức kéo chân khán giả đến, hay là vì tiếng đàn tôi giúp khán giả buông sạch những nỗi buồn, nên khán giả đến các đêm nhạc của tôi là để trả ơn tiếng đàn đã giúp họ vượt qua tất cả những nỗi buồn.
Điều gì có thể khiến anh say mê với cây đàn mấy chục năm: đó là danh vọng, tiền bạc, hay điều gì khác?
Vì tôi yêu cây đàn. Vì tôi yêu khán giả của tôi. Nhưng còn có một lý do đặc biệt nữa, là vì vợ tôi thích nghe đàn Violin. Tôi rất yêu vợ, nên vì vợ, trọn đời tôi không thay đổi niềm đam mê khác.
Suốt chặng đường làm nghề rất dài và chắc hẳn có nhiều những gian nan, có khi nào anh thấy chán nản, bế tắc hay lúc nào tình yêu của anh với cây đàn, với âm nhạc vẫn luôn vẹn nguyên như vậy?
Chưa bao giờ tôi có cảm giác chán nản. Không phải vẹn nguyên tình yêu như thuở nhỏ mới học đàn, mà là, tình yêu của tôi với cây đàn càng ngày càng nhiều thêm!
Cảm ơn anh đã chia sẻ!