Người dùng mạng xã hội có đầy đủ quyền năng làm trong sạch môi trường số

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 04/05/2023 13:39 GMT+7

VTV.vn - Lờ đi hay vội vã lướt qua, thể hiện sự phẫn nộ bằng cách thả biểu tượng thậm chí chia sẻ để tỏ thái độ đều có thể vô tình làm tăng tương tác của nội dung xấu độc.

Mới đây, mạng xã hội dậy sóng vì đoạn clip sử dụng nhạc nền được chế từ bài thơ Lượm của nhà thơ Tố Hữu. Những người sử dụng đoạn âm thanh này đa phần là các bạn trẻ, có những học sinh mặc đồng phục thực hiện trào lưu biến hình tạo dáng khó chấp nhận. Song song với trào lưu bắt chước điệu nhảy theo nền nhạc với những động tác khoe thân phản cảm, có một làn sóng ngược chiều hướng này và tẩy chay dữ dội, khiến nam rapper phải chính thức xin lỗi cộng đồng mạng, ẩn các video đăng tải của mình.

Mạng xã hội là một môi trường mở với số lượng người dùng khổng lồ. Trên không gian này, mọi người có thể dễ dàng kết nối với nhau. Bên cạnh các mặt tích cực, không gian số cũng là mảnh đất phát tán nhiều nội dung xấu, vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng và ảnh hưởng đến xã hội, đặc biệt là với giới trẻ. Bên cạnh những nỗ lực của các cơ quan chức năng với nhiều giải pháp pháp lý, kỹ thuật, giáo dục truyền thông để phát hiện, ngăn chặn những nội dung xấu độc, chính những người dùng mạng cũng có quyền và nghĩa vụ thực hiện điều đó.

Trên thực tế, nhiều người nhìn thấy nội dung xấu, phản cảm nhưng lờ đi hay vội vã lướt qua coi như không thấy, hoặc thể hiện sự phẫn nộ bằng cách thả biểu tượng mặt giận, thậm chí chia sẻ để tỏ thái độ của mình. Tuy nhiên, những hành động ấy có thể vô tình làm tăng tương tác của các nội dung xấu độc.

Các nền tảng mạng xã hội luôn có chính sách tiêu chuẩn cộng đồng để xử lý các nội dung sai phạm như ảnh khỏa thân, bạo lực hay ngôn từ gây thù ghét. Người dùng có thể giúp đỡ các nền tảng trước khi hệ thống phát hiện thông qua nút báo cáo các nội dung có thể có vấn đề và bình luận không phù hợp, thậm chí là báo cáo tài khoản. Đây là quyền của người dùng. Khi tạo lập được thói quen tích cực này, chính người dùng đang nói lên tiếng nói của mình, góp phần thanh lọc môi trường số.

Mỗi quốc gia, mỗi khu vực đều có cách làm khác nhau để đạt mục tiêu thúc đẩy người dùng mạng xã hội triệt để sử dụng quyền của mình, để đấu tranh với các loại tin giả, tin xấu độc hay các hành vi lệch chuẩn trên nền tảng mạng xã hội.

Sử dụng tính năng báo cáo đúng lúc, đúng chỗ là thói quen của những người dụng mạng xã hội văn minh, góp phần xây dựng môi trường số an toàn, lành mạnh hơn. Điều quan trọng hơn là mỗi người dùng, đặc biệt là các nhà sáng tạo nội dung, cần có nhận thức đúng đắn về cách ứng xử trên mạng xã hội. Văn hóa sử dụng mạng như thế nào cho phù hợp để mỗi bình luận, bức ảnh hay video được đẩy lên đều không gây ra bất kỳ hậu quả tiêu cực nào cho cộng đồng. Một điều chắc chắn rằng mỗi người dùng đều có thể là tác nhân hoặc nạn nhân của thông tin xấu độc, đồng thời cũng là người phát hiện thông tin phản cảm.

Đối với giới trẻ, đặc biệt trẻ vị thành niên, nhận thức chưa chín, tâm hồn còn non nớt, chưa phân biệt được tốt xấu, chuẩn mực hay lệch chuẩn, thì chính người lớn sẽ là bộ lọc cho các em. Tăng cường trách nhiệm của người dùng mạng thì cũng cần tăng trách nhiệm của các nền tảng mạng xã hội, các cơ qua chức năng, tạo môi trường số văn hóa, văn mình.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước