Những người nổi tiếng có thể được gọi là những "người xa lạ gần gũi", bởi sự thật là có thể vài ngày rồi, chúng ta chẳng có thời gian để hỏi thăm xem mẹ mình đang nghĩ gì, cũng chẳng kịp biết liệu cô đồng nghiệp thân thiết đang dính F0 cách ly ở nhà đã có lại vị giác hay chưa..., nhưng có thể nhiều người lại biết rõ về tin nhắn chia tay của ngôi sao nào đó, biết rõ một cặp đôi nổi tiếng kia, ở riêng với nhau thì ai đanh đá hơn... Nhiều người đưa họ lên sân khấu chính của cuộc đời mình rồi phán xét.
Trong khi đó, với những người nổi tiếng, ngoài trường hợp cố tình gây chú ý để quảng cáo sản phẩm nào đó sắp ra mắt thì việc bị làm phiền đời tư là cái giá mà họ buộc phải trả cho sự nổi tiếng.
NHIỀU NGƯỜI NỔI TIẾNG BỊ "LÀM PHIỀN" TRONG ĐỜI SỐNG RIÊNG TƯ
Khi trở thành người nổi tiếng, cuộc sống cá nhân không chỉ là của một người mà từng hành động, dù rất bình thường, cũng trở thành mối quan tâm và là câu chuyện bàn tán của nhiều người. Vì thế, những câu chuyện về người nổi tiếng lúc nào cũng được mổ xẻ tới từng chi tiết nhỏ nhất, thậm chí từ năm sinh tới cung hoàng đạo.
Khi càng được quan tâm, càng được chú ý cũng là lúc xuất hiện thêm các luồng thông tin trái chiều, thậm chí tiêu cực và bịa đặt xung quanh cuộc sống của những người nổi tiếng. Mới đây, ca sĩ Hòa Minzy đã bức xúc lên tiếng trên mạng xã hội và mong muốn có sự riêng tư khi có quá nhiều thông tin tiêu cực xuyên tạc, bịa đặt về gia đình cô.
Gần đây nhất, vụ việc nữ diễn viên Thái Lan Chiếc lá cuốn bay bị đuối nước đang nhận được sự quan tâm lớn. Nhiều người chia sẻ hình ảnh thi thể nữ diễn viên đã gây bức xúc trong dư luận. Một làn sóng phản đối trên các trang mạng xã hội cũng đã diễn ra, đòi sự tôn trọng cho cố nghệ sĩ.
Ở nước ngoài, thậm chí việc chụp ảnh trộm đời tư của các nghệ sĩ đã trở thành một nghề. Việc bị săm soi đời tư quá mức khiến nhiều nghệ sĩ - người nhẹ nhàng thì gạt tay cho qua, nhưng cũng có những trường hợp không kiềm chế nổi và đã gây ra xô xát.
SỰ QUAN TÂM NGÔI SAO HAY THÓI XẤU PHÁT XÉT NGƯỜI KHÁC?
"Họ nổi tiếng, họ phải chịu sự soi mói là đúng rồi", hay "Khán giả có yêu thì người ta mới quan tâm"... - đây là vài câu nói bao biện thường thấy cho hành động quan tâm quá đáng tới đời tư của những ngôi sao. Thế nhưng nó chỉ là bề nổi, sâu xa hơn, sự quan tâm đó lại chính là một thói xấu quen thuộc của con người - "phán xét người khác". Lý do cho sự phán xét đó là gì?
Thứ nhất, phán xét người khác là một cách tạo cảm giác nâng cao giá trị bản thân. Khi càng nhận xét người kia xấu xa bao nhiêu, ta càng có cảm giác mình đang được đẩy về phía còn lại, tốt đẹp bấy nhiêu.
Thứ hai, phán xét là là cách dễ dàng để tạo ra liên kết xã hội. Theo các chuyên gia tâm lý, khi 2 người không quen biết gặp nhau, họ sẽ dễ trở nên gần gũi hơn nếu nói một điều gì đó về người thứ 3 hơn là về những điều tốt đẹp của chính mình.
Và còn thêm một lý do nữa là bởi, thực tế việc người nổi tiếng bị mất tự do cá nhân không có gì mới, nhưng trước nay lại chẳng có mấy những vụ việc "xâm phạm đời tư" người khác bị xử lý trước pháp luật.
NHỮNG LỖ HỔNG TRONG XỬ LÝ VỤ VIỆC "XÂM PHẠM ĐỜI TƯ"
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết: "Pháp luật đã có những quy định rất đầy đủ về bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân, quyền tự do hình ảnh của cá nhân, tuy nhiên những hành vi vi phạm về hình ảnh, sử dụng trái phép hình ảnh cá nhân vẫn lan tràn. Ghi âm, ghi hình, chụp ảnh dễ dàng, đăng tải lên không gian mạng dễ dàng. Những việc vi phạm thường xuyên như vậy nên nhiều người coi nhẹ thông tin nhân thân cũng như hình ảnh cá nhân của mình và khi bị xâm phạm, thường chỉ ấm ức chứ không biết làm cách nào. Có những người cũng biết là mình bị xâm phạm nhưng lại cho rằng 'đi kêu ai bây giờ'. Cũng có nhiều trường hợp gửi đơn đến cơ quan chức năng nhưng việc xử lý có thể còn chậm trễ, trừ trường hợp đưa hình ảnh có tính chất đồi trụy hoặc bình luận xúc phạm nhân phẩm thì lúc đó cơ quan chức năng mới vào cuộc quyết liệt".
Từ đó mới thấy suy nghĩ "việc soi mói đời tư ảnh hưởng đến ai thì kệ, chứ tôi thì có làm sao đâu" là có thật. Lúc này, có lẽ những người nổi tiếng chỉ có hai cách để bảo vệ mình:
Một là hy vọng rằng: khi mình lỡ có hình ảnh xấu nào đó thì mọi người xung quanh sẽ đủ văn minh để thông cảm, chấp nhận và ứng xử đẹp như khoảnh khắc Christian Eriksen đột quỵ giữa sân đấu EURO 2020. Các đồng đội của anh đứng vây kín xung quanh để che đi hình ảnh có thể khiến người xem bị sốc. Còn khán giả trên sân tuyệt nhiên không một ai cầm điện thoại ghi hình trên tay. Cách thứ hai là đừng để những tình huống "lỡ có hình ảnh xấu nào" xảy ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!