Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ những giải pháp phát triển văn hóa, đó là đặc biệt chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng tri thức cho văn nghệ sĩ làm công tác văn hóa, văn học nghệ thuật. Muốn đào tạo tài năng đỉnh cao trong văn hóa nghệ thuật thì vai trò dẫn dắt, định hướng sự phát triển văn hóa đòi hỏi ngay ở chính những cơ sở đào tạo phải đảm bảo đội ngũ giảng viên tinh hoa. Vậy nhưng đội ngũ này đang ngày càng thiếu, nhiều nơi còn khủng hoảng.
Trước đây, Việt Nam từng có một đội ngũ nghệ sĩ hùng hậu được đi đào tạo ở nước ngoài. Khi trở về, họ trở thành những cánh chim đầu đàn tài năng. Nhưng giờ đây, lứa nghệ sĩ này ngày càng lớn tuổi và nghỉ hưu, trong khi đó đội ngũ giảng viên kế cận chưa thực sự đáp ứng nhu cầu về chất lượng. Được cử đi học nước ngoài ngày càng ít, còn việc đào tạo tiến sĩ trong nước còn gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, cả nước có 40 cơ sở đào tạo lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, trong đó có 8 cơ sở đào tạo sau đại học và chuyên sâu. Nhưng nhiều năm qua, có nhiều vướng mắc trong tuyển sinh cũng như đào tạo tiến sĩ nghệ thuật trong nước.
Gần đây, Bộ Giáo dục và đào tạo đang xây dựng Thông tư thí điểm tiến sĩ biểu diễn nghệ thuật. Tuy nhiên, còn nhiều trăn trở vẫn còn tồn tại.
Một thực tế là ngày càng nhiều hội đồng chấm luận văn tốt nghiệp ngành nghệ thuật gặp khó khăn như không mời được các giáo sư, nhà khoa học có uy tín chuyên sâu về lĩnh vực của đề tài. Nguyên nhân là vì sự thiếu hụt nhân lực chuyên môn cao ngày một rõ. Điều này đặt ra vấn đề những giảng viên tại các cơ sở đào tạo có cần nhìn lại tâm huyết và trách nhiệm của mình hay không, khi nguồn học bổng Nhà nước đã trải thảm nhưng chính họ không bước lên. Mặt khác, nếu chính sách đào tạo của ngành văn hóa không có sự linh hoạt, phù hợp với đặc thù sẽ khiến nhân tài nản lòng và mất đi động lực phấn đấu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!