Nhà văn Di Li: Viết trinh thám vì thích đọc trinh thám!

Theo Ý Dịu/VOV-Thứ ba, ngày 19/01/2016 08:19 GMT+7

VTV.vn - Di Li đã chia sẻ những suy nghĩ về văn học trinh thám và cuốn tiểu thuyết trinh thám mới "Câu lạc bộ số 7" của chị.

Tọa đàm “Văn học trinh thám Việt Nam và tiểu thuyết trinh thám của nhà văn Di Li ” đã diễn ra chiều 18/1 tại Hà Nội.

Trong buổi tọa đàm, nhà văn Di Li và các nhà văn, nhà phê bình đã cùng trao đổi về vai trò của trinh thám đối với một nền văn học muốn phát triển toàn vẹn và đồng đều; và văn học trinh thám đóng góp gì cho sự phát triển xã hội và nhận thức của con người.

Được xem là hiện tượng của dòng tác phẩm trinh thám, chị đánh giá sao về thể tài này ở Việt Nam?

- Văn học trinh thám ở Việt Nam đã có từ trước năm 45 nhưng đấy mới là những tác phẩm sơ khai, mang âm hưởng khai mở. Tôi thích " Vàng và máu "của Thế Lữ bởi một cảm xúc đặc biệt. Nhưng nó chưa đặc thù. Điều đó cũng dễ hiểu thôi bởi vì Châu Á không phải nơi phát triển dòng văn học trinh thám. Và người phương Tây có lợi thế khi khoa học hình sự của họ phát triển hơn.

Còn với riêng tôi đây là một sở thích. Và thích đọc gì thì tôi cũng thích viết thứ đó. Hy vọng góp phần làm cho văn học Việt Nam trọn vẹn hơn.

Từ" Trại hoa đỏ", độc giả kỳ vọng vào một sự đổi mới trong dòng văn học trinh thám của chúng ta. Nhưng đến bây giờ thì ngoài Di Li vẫn chưa có thêm gương mặt nào. Có vẻ như chị rất thuận lợi ở mảnh đất này?

- Tôi mong có thêm nhiều tác giả viết trinh thám. Nhiều tác giả trẻ gửi tác phẩm nhờ đọc, tôi rất mừng. Vì thực sự đừng nghĩ rằng độc đạo là tốt. Người ta vẫn nói “Buôn có bạn, bán có phường”. Dãy phố nào đông khách sẽ thành “phố nghề”, tức là có nhiều hạng mục sản phẩm như nhau. Ví như có một nhà toán học nổi danh không có nghĩa chúng ta có nền toán học vững chãi. Nên tôi mong là có được nhiều người đồng điệu để vững mạnh hơn trong nghề nghiệp.Như vậy trinh thám Việt Nam sẽ có đông độc giả hơn.

Chị đánh giá sao về độc giả của dòng văn học này ở Việt Nam?

- Thực ra đây là loại hình văn học kén người đọc. Ở phương Tây thì đấy là thể lọai ăn khách. Nhưng ở Việt Nam, đừng nhầm rằng tôi có một sự dễ dàng hơn trong tiếp cận độc giả. Ở Việt Nam, truyện ngôn tình vẫn ở vị trí hàng đấu. Ở nước ngoài, những tác giả trinh thám có thu nhập cao hàng đầu thì ở Việt Nam trinh thám chỉ bán được khoảng 2.000 bản. Có khi sách của các tác giả hàng đầu trên thế giới bán ở Việt Nam cũng kém.

Được biết chị đã dồn nhiều tâm huyết cho "Câu lạc bộ số 7". Xin chị chia sẻ đôi điều về đứa con tinh thần lần này?

- Tôi kì vọng nó vượt trội so với “Trại hoa đỏ”. Tôi không so sánh với tác phẩm, tác giả nào trên thế giới cả. Mong độc giả đón nhận nó như một bước tiến của tôi. Tôi đã đầu tư công sức trong 6 năm. Nếu “Trại Hoa đỏ” là một sự thử nghiệm thì với "Câu lạc bộ số 7" tôi đã hình thành rõ rệt tư duy trinh thám, dù chưa thực sự hài lòng sau khi viết xong. Bởi… tất cả bay bổng của tôi sẽ dồn vào cuốn thứ 3, ra mắt vào năm sau!

Ở "Câu lạc bộ số 7", điều gì theo chị sẽ rất ấn tượng?

- Tác phẩm của tôi nói về giới tính thứ tư và tôi mong muốn công chúng sẽ hiểu hơn về những con người này. Và khi hiểu, sẽ không còn kì thị và nhòm ngó cuộc sống của họ nữa.

Cám ơn chị!

Nhà văn Di Li hiện là giảng viên tiếng Anh của trường Cao đẳng Thương mại & Du lịch Hà Nội, giảng viên PR của trường ĐH Hòa Bình, hội viên Hội nhà văn Châu Á-Thái Bình Dương, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội.

Chị đã có 28 đầu sách được phát hành bao gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn, bút ký, sách chuyên ngành và sách dịch. Chị cũng có một tập truyện ngắn đã được dịch sang tiếng Anh với nhan đề “The Black Diamond” và dịch sang tiếng Hà Lan với nhan đề “Cocktail”.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước