Nhà văn Nguyễn Quí Đức: Giữ giá trị gốc của văn hóa Việt

Theo Thanh Vân/VOV-Thứ ba, ngày 09/02/2016 22:38 GMT+7

Nhà văn Nguyễn Quí Đức

VTV.vn - Hơn nửa đời người, ông trở về gắn bó với Thủ đô bởi nhận ra Hà Nội là một thành phố phát triển nhưng vẫn giữ được những nét xưa cũ.

Nguyễn Quí Đức sinh năm 1958. Ông có nhiều năm sống tại Mỹ, là nhà báo chuyên về khu vực châu Á, từng làm nhiều chương trình truyền thanh & truyền hình về các nước trong khu vực. Ông đã dịch sách và thơ của một số tác giả sang tiếng Anh như của Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái, Hũu Thỉnh, Trịnh Công Sơn, và các kịch bản của Bùi Thạc Chuyên, Đặng Nhật Minh, Phan Đăng Di, Hoàng Điệp, Vương Đức…

Quán cà phê gợi nét cổ xưa

Quán cà phê Tadioto trên con phố Tông Đản (Hà Nội) có một nét gì đó rất riêng dễ níu chân khách qua đường. Những bộ bàn ghế cũ được chủ nhân tận dụng thiết kế lại gợi nét cổ xưa, nhưng cách bài trí vật dụng bên trong vẫn làm cho quán mang dáng dấp hiện đại.

Ông chủ quán, nhà văn, dịch giả Nguyễn Quí Đức trông rất lãng tử với nước da đỏ au, mái tóc bồng bềnh hất ngược ra sau. Là dân văn chương, nhiều năm sống ở Mỹ, đã đặt chân đến nhiều nước trên thế giới, Nguyễn Quí Đức là người quảng giao, lắm bạn bè Tây ta đủ cả. Họ thường lui tới quán để bàn công chuyện, hoặc đôi khi chỉ để tán gẫu với ông chủ quán vừa hiểu biết lại giàu vốn sống.

Quê gốc ở Huế, sinh ở Đà Lạt nhưng ông lại chọn Hà Nội là nơi sinh sống lúc tuổi già. Lý giải về điều này, nhà văn cho biết, ở Hà Nội ông có nhiều bạn bè, thêm nữa, thời tiết, sinh hoạt, văn hóa ở Hà Nội khá đa dạng. Tinh thần Hà Nội xưa vẫn phảng phất đâu đây ở mỗi con phố, mỗi ngôi nhà cổ…

Nhà văn Nguyễn Quí Đức chia sẻ: “Tôi thiết kế quán tạo sự thoải mái, dễ chịu nhất cho khách nhưng vẫn giữ được nét riêng phảng phất chút hoài cổ. Quán đón tiếp cả khách nước ngoài lẫn người Việt Nam. Điều này khiến khách nước ngoài vào quán có thể cảm nhận được đời sống thật của người dân Hà Nội”.

Tiếp thu phải có chọn lọc

Trở về nước, nhà văn thấy xã hội Việt Nam có nhiều thay đổi, nhất là tại các thành phố lớn. “Thế hệ trẻ hiện nay không phải quan tâm đến những đau thương của cuộc chiến. Sống trong một xã hội công nghệ, trong thế giới phẳng, họ có nhiều cơ hội, nhiều cơ may, những thói quen, thú vui cũng khác trước. Tính cách cũng khác trước, họ bộc lộ tính cá nhân nhiều hơn, ít chịu nhường nhịn, sống ích kỷ hơn, làm cho tinh thần cộng đồng, tinh thần gia đình đang bị mai một đi”. Tuy nhiên, nhà văn Nguyễn Quí Đức không quá bi quan về điều này, bởi ông cho rằng, đấy là phần tất yếu của một xã hội đang có sự chuyển mình để thay đổi.

Hỏi ông có cho rằng văn hóa Việt đang bị mai một, ông nhìn nhận: “Những cái hay, cái dở của phương Tây đã và đang du nhập vào Việt Nam gây ra những xáo trộn trong cuộc sống của người Việt. Tuy nhiên, không thể “đóng cửa” để bảo vệ văn hóa Việt. Cái hay mình vẫn nên học, chứ không khư khư ôm những gì xưa cũ của Việt Nam mà không hiểu nguồn gốc giá trị Việt như thế nào.

Xã hội nào cũng cần vận động thay đổi. Chỉ cần mình hiểu đúng và giữ được giá trị gốc của văn hóa Việt, giữ được cái phong thái và tinh thần người Việt thì không sợ sự thay đổi, sự mai một. Bài toán đặt ra là làm sao để dung hòa mà không gây ra xung đột mới là quan trọng. Điều này xuất phát từ gia đình, từ tường học, từ tư duy của những người làm giáo dục, và quan trọng nhất là tinh thần chọn lọc của từng cá nhân”.

Theo nhà văn Nguyễn Quí Đức, để giữ được tinh thần Việt, văn hóa Việt, phải đi sâu vào bản chất sự việc chứ không chỉ dừng ở những việc phô trương, hình thức. Thấy một cô gái mặc áo dài ra đứng bên chùa chụp ảnh hay thấy một anh chàng mặc áo có hình lá cờ Tổ quốc là tôn vinh họ yêu nước, có phải thực như thế không? Nét đặc trưng mình giữ là đúng, nhưng đừng quá tôn vinh vẻ hình thức.

Nhà văn Nguyễn Quí Đức cho rằng, để xã hội Việt Nam phát triển cần khuyến khích con người tự do bộc lộ cá tính, ý tưởng cá nhân. Người Việt thích sống hòa đồng, tránh gây xung đột, người có ý tưởng hay cũng không dám đưa ra, thấy mọi người sống như thế nào, làm như thế nào thì mình cũng sống, cũng làm theo như thế, nếu có sự khác biệt dễ bị cô lập. Ở nước ngoài không thế, tôi giỏi hơn lãnh đạo, tôi có sáng kiến hay thì được khuyến khích, coi trọng, tạo điều kiện để phát triển. “Đây cũng là một trong những lý do khiến du học sinh không muốn quay về” - nhà văn Nguyễn Quí Đức nhận xét.

Làm cho Tết Việt trở về đúng bản chất

Nhà văn Nguyễn Quí Đức nhận xét, hiện nay đất nước đã hội nhập, thời gian nghỉ ngơi của chúng ta kéo dài từ Tết Dương lịch, Noel, Tết Nguyên đán đến hết rằm tháng giêng… là quá dài gây lãng phí nên cần có sự sắp xếp lại.

“Ngày Tết, tôi thích nhất tinh thần con cái về với cha mẹ; anh em, bạn bè có dịp để gặp gỡ nhau”. Nhưng theo nhà văn, cái tinh thần ấy không còn giữ được như ban đầu. Cái Tết hiện nay đang khiến cho con người mệt mỏi. Ngày Tết mọi người phải lo sắm sanh, trang hoàng nhà cửa, phải lo làm vừa lòng người khác, nào là quà bánh để biếu sếp, biếu đối tác, những người mà mình thấy cần cho công việc, chứ không phải xuất phát từ sự quý mến. Rồi lại quà này bánh nọ về quê biếu bố mẹ, họ hàng.

Những người ở xa, Tết đến còn phải lo phương tiện đi lại, lo xếp hàng mua vé tàu, rồi cảnh chen chúc nhau trên chiếc xe khách quá tải, bấp chấp nguy hiểm năm nào cũng xảy ra… “Ngày trước, chúng tôi về thăm gia đình, thăm quê quán thường xuyên, có công việc gì giải quyết luôn trong năm chứ không dồn đến cuối năm mới ùn ùn kéo nhau về quê, diễn ra tình trạng căng thẳng, mệt mỏi như hiện nay”, nhà văn chia sẻ.

Nhà văn Nguyễn Quí Đức cũng cho rằng, Tết truyền thống không thể bỏ nhưng cần bỏ đi những cái không cần thiết, những cái làm cho con người mệt mỏi: “Truyền thống thì phải giữ, nhưng người lớn phải làm gương để trẻ thấm dần, chứ đừng bắt trẻ làm những việc mà nó không hiểu”.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước